Sự việc ba trẻ tử vong trong quá trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ có dị tật khe hở môi, vòm miệng tại tỉnh Khánh Hòa vừa qua một lần nữa cho thấy công tác quản lý, cấp phép hoạt động cho các trung tâm khi làm từ thiện vẫn còn nhiều điều đáng bàn luận.
Sau sự cố nghiêm trọng trên, nhiều câu hỏi được đặt ra về quy trình cấp phép cho Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ cười OSCA tiến hành các hoạt động khám chữa bệnh liệu đã đúng và chuẩn xác?
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) để hiểu rõ hơn những khúc mắc đang được đặt ra.
- Những năm gần đây, có thể nói việc nhiều tổ chức tiến hành các công tác khám chữa bệnh nhân đạo, từ thiện khá nhiều. Ông đánh giá như thế nào về những hoạt động trên?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Việc khám chữa bệnh nhân đạo đã diễn ra từ nhiều năm nay và thực sự đóng góp ý nghĩa về mặt xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Chúng ta không thể phủ nhận được những đóng góp đó của họ. Đa số các tổ chức từ thiện và các đợt khám chữa bệnh nhân đạo không có vấn đề lợi nhuận ở đây, họ làm rất tình nguyện và huy động được tài trợ của các nhà hảo tâm cũng như các tổ chức từ thiện cả trong nước và nước ngoài.
- Theo Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm OSCA chưa được cấp phép khám chữa bệnh mà chỉ có giấy phép hoạt động của Sở Khoa học. Về phía cơ quan quản lý, ông có thể cho biết, việc Trung tâm OSCA tổ chức các đợt khám chữa bệnh nhân đạo như vậy có đúng thẩm quyền, chức năng hay không?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Trước hết, Sở Khoa học Công nghệ cấp phép cho Trung tâm OSCA là một trung tâm nghiên cứu, trong quy định cấp phép của Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội, những vấn đề liên quan đến điều kiện đặc thù khác phải theo các quy định có liên quan.
Chẳng hạn như liên quan đến khám chữa bệnh thì phải tuân theo Luật Khám chữa bệnh. Chúng tôi sẽ báo cáo lại với lãnh đạo Bộ để có chuyên gia pháp lý của y tế xem xét về vấn đề này để có kết luận chính thức.
Tuy nhiên, ở đây Trung tâm trên không tổ chức khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở của họ mà tổ chức tại các cơ sở khám chữa bệnh khác tại các địa phương và xin phép chính quyền, sở y tế tại các địa phương.
Về mặt nguyên tắc chuyên môn, để đảm bảo an toàn chuyên môn kỹ thuật, các điều kiện về con người, chuyên môn kỹ thuật, trang thiết bị, thuốc, các trang thiết bị chăm sóc sức khỏe phải đảm bảo. Đó là căn cứ để sở y tế tại địa phương họ cấp phép cho các tổ chức này.
Việc Trung tâm OSCA tổ chức các đợt khám chữa bệnh nhân đạo có đúng thẩm quyền hay không, có đúng chức năng được phép hay không chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo bộ và các cơ quan pháp lý rà soát lại việc này xem họ tổ chức như vậy có đúng hay không. Cụ thể, ở đây họ chỉ đứng ra tổ chức, họ không phải là người đứng ra trực tiếp làm kỹ thuật trong đợt khám chữa bệnh này.
Về mặt chuyên môn, chúng tôi thấy rằng khi Sở Y tế họ cấp phép cũng dựa trên các điều kiện như tất cả phẫu thuật viên gây mê, điều dưỡng… phải có chứng chỉ hành nghề. Thứ hai là điều kiện về buồng phẫu thuật, trang thiết bị, thuốc phải đảm bảo thuốc không được quá hạn, phải đảm bảo chất lượng.
Về trách nhiệm pháp lý thì cơ quan pháp lý của Bộ Y tế sẽ phải xem xét kỹ.
- Trung tâm OSCA hiện chưa được cấp phép hành nghề trong công tác khám, chữa bệnh nhưng đã tổ chức tiến hành hơn 2.000 trường hợp phẫu thuật dị tật khe hở môi, vòm miệng trên nhiều tỉnh. Liệu đây có phải là một “lỗ hổng” trong công tác quản lý?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Về vấn đề này, chúng tôi sẽ xem xét lại những văn bản pháp luật cũng như các quy định, quy trình cấp phép của các sở y tế xem họ thực hiện như thế nào, vì các tổ chức từ thiện không phải họ thực hiện một lần ở một địa phương.
Đối với Bệnh viện Quân Y 87, chúng tôi được biết họ đã thực hiện hai đợt trước đó vào năm 2012, 2013. Vì vậy, nên đến đợt sau bao giờ họ cũng cho rằng đã thực hiện được một lần rồi, được cấp phép rồi thì sẽ vẫn được cấp phép tiếp. Đợt khám chữa bệnh phẫu thuật vừa rồi, Sở Y tế Khánh Hòa vẫn thực hiện việc cấp phép cho Trung tâm OSCA để họ tổ chức đợt phẫu thuật này.
Về mặt quy trình cấp phép của Sở Y tế Khánh Hòa chúng tôi sẽ kiểm tra lại quy trình xem thực hiện trên căn cứ nào.
- Có nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng nguyên nhân gây tử vong cho ba trẻ nói trên là do công tác gây mê. Ông có thể cho biết, đến thời điểm hiện nay ý kiến của Bộ Y tế về vấn đề này thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Cho đến nay chúng tôi vẫn đang chờ kết luận của Hội đồng chuyên môn kết quả ra sao. Tuy nhiên, với hai cháu bé chưa phẫu thuật đã tử vong, khả năng nguyên nhân là do khâu gây mê vẫn là chủ yếu, còn các nguyên nhân khác như do thuốc hay không… thì cần phải tìm hiểu thêm.
- Là cơ quan quản lý, ông có thể cho biết trách nhiệm cụ thể của các đơn vị có liên quan trong việc tổ chức một đợt khám chữa bệnh như thế này ra sao?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Trước hết cũng phải khẳng định đây là một sự cố y khoa rủi ro không ai mong muốn. Khi sự việc xảy ra như vậy chúng ta phải tìm nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.
Theo tôi được biết, Bệnh viện Quân Y 87 đã có hợp đồng chặt chẽ với Trung tâm OSCA và họ làm đúng theo hợp đồng đó, nếu họ không đúng theo hợp đồng đó sẽ có trách nhiệm của bệnh viện.
Tuy nhiên, toàn bộ quy trình này cơ quan công an tỉnh Khánh Hòa đang tiến hành điều tra. Việc điều tra sẽ làm rõ tất cả các vấn đề. Bộ Y tế quan điểm đơn vị nào vi phạm nội dung gì thì xử lý theo đúng vi phạm đó theo quy định của pháp luật, không bao che, xử lý đúng người đúng việc.
Sau khi có đủ thông tin này các chuyên gia pháp lý của Bộ Y tế sẽ cùng thảo luận để đối chiếu với văn bản quy định hiện hành để xác định sai phạm hay không và sai phạm ở mức độ nào.
Qua sự cố như thế này để chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ các tổ chức thực hiện việc khám chữa bệnh từ thiện để đưa vào nề nếp và hoạt động đúng theo khuôn khổ pháp luật.
Xin trân trọng cảm ơn ông!