Liên quan đến vụ 40 người nhập cảnh trái phép về Việt Nam qua sông Bình Di, sáng 23/8, thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú) đã bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra Công an tỉnh An Giang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Xác định việc 40 người nhập cảnh trái phép về Việt Nam là vụ việc phức tạp nên khi vừa tiếp nhận thông tin ban đầu, Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã tích cực chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ cùng Công an các đơn vị, địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc.
Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết qua lấy lời khai của 40 công dân từ casino Campuchia chạy về An Giang, xét thấy có dấu hiệu tội phạm mua bán người.
Sau thời gian ngắn tích cực điều tra, cơ quan điều tra đã phát hiện có 4 đường dây có dấu hiệu tội phạm mua bán người xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Công an tỉnh An Giang đã báo cáo vụ việc lên Bộ Công an và Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an để phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố có đường dây mua bán người, tiếp nhận tin báo, triển khai công tác điều tra, triệt phá đường dây mua bán người.
Trước đó, khoảng 9 giờ ngày 18/8, Chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 số 21 thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) đóng tại khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, đã phát hiện, bắt giữ 40 người (35 nam và 5 nữ) từ Casino Rich World, thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia bơi qua sông Bình Di nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
Làm việc với cơ quan chức năng, những người nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam khai nhận do tin vào những lời chào mời hấp dẫn tuyển lao động làm việc tại Campuchia với mức lương từ 700-1.000 USD/tháng trên mạng xã hội nên họ đã vượt biên trái phép sang Campuchia.
Tại Campuchia, công việc hằng ngày của họ là làm game online và lên các trang mạng theo sự chỉ đạo của quản lý casino.
Thậm chí nhiều người bị đưa vào các đường dây thực hiện hành vi lừa đảo, mỗi ngày làm việc 15 giờ hoặc bị bán vào các sòng bài, bị đánh đập, tra tấn đòi tiền chuộc nếu muốn trở về Việt Nam.
Nhóm người này còn khai bị những đối tượng bên casino hành hung, đánh đập dã man khi họ không hoàn thành nhiệm vụ. Trong môi trường đầy áp lực và bị đối xử thậm tệ, không được nghỉ ngơi, không được trả lương, nhóm người này thống nhất bàn bạc tìm cách vượt biên giới về Việt Nam vào sáng 18/8.
Liên quan đến vụ việc, qua quá trình điều tra Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh An Giang phối hợp cùng Công an huyện An Phú xác định trong số 40 người nhập cảnh trái phép về Việt Nam có 6 người do Nguyễn Thị Lệ (sinh năm 1980) và Lê Văn Danh (sinh năm 1988, cùng trú tại thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) đưa trót lọt xuất cảnh trái phép sang Campuchia trước đó.
[Khởi tố vụ án liên quan 40 người tháo chạy khỏi casino bên Campuchia]
Chiều 22/8, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh An Giang cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Lệ và Lê Văn Danh để điều tra về hành vi “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép."
Bước đầu Lệ khai nhận, từ khoảng tháng 5/2022, Lệ được một người đàn ông không rõ lai lịch câu móc tham gia đưa người xuất cảnh trái phép từ Việt Nam qua Campuchia. Lệ đồng ý.
Sau đó, Lệ câu móc với Danh. Danh tham gia đón khách xuất cảnh chở đến bến sông bờ phía Việt Nam giao cho Lệ đưa sang Campuchia.
Theo thỏa thuận, khi đưa khách trót lọt qua Campuchia, Lệ và Danh được trả công 100.000 đồng/khách.
Ngoài việc đưa 6 người khách trên xuất cảnh trái phép qua Campuchia, Lệ còn thừa nhận cùng Danh đưa trót lọt nhiều lần, nhiều đối tượng xuất cảnh trái phép qua Campuchia với mục đích làm việc tại casino./.