Ngày 28/8, Đại sứ Syria tại Liban, ông Ali Abdel Karim Ali, cho biết Chính phủ Syria sẽ cho phép hàng hóa cứu trợ của các quốc gia Arab vận chuyển tới Beirut qua lãnh thổ nước này.
Thông tin trên được Đại sứ Ali đưa ra tại cuộc họp với Ngoại trưởng Liban Charbel Wehbi.
Tại cuộc họp, ông cũng cho biết Syria mong muốn hợp tác với Liban vì hai nước chia sẻ các lợi ích chung về an ninh trong khu vực.
Liban đang tiếp nhận hàng cứu trợ từ nhiều nước trên thế giới gửi tới những nạn nhân trong thảm họa nổ ở cảng Beirut hôm 4/8 vừa qua.
Hai vụ nổ lớn tại cảng biển Beirut đã làm rung chuyển thủ đô của Liban, khiến ít nhất 183 người thiệt mạng và khoảng 6.000 người bị thương.
Nhà chức trách ước tính thiệt hại do vụ nổ gây ra lên tới khoảng 15 tỷ USD.
Vụ nổ còn tác động tới các vùng lân cận thủ đô Beirut như Gemmayzeh và Mar-Mikhael, nơi có nhiều tòa nhà lịch sử.
[Vụ nổ ở Beirut: Thu dọn lượng vật liệu tương đương với tháp Eiffel]
Liban đã kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp và nhiều nước trên thế giới cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ với điều kiện quốc gia này phải tiến hành cải cách sâu rộng.
Nhằm thúc đẩy các biện pháp cải cách ở Liban, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến trong hai ngày 31/8-1/9 sẽ trở lại Liban và gặp gỡ các quan chức lãnh đạo chính trị nước sở tại.
Đây là chuyến thăm thứ hai của nhà lãnh đạo Pháp tới Liban trong chưa đầy một tháng kể từ sau vụ nổ ở cảng Beirut.
Theo thông báo ngày 28/8 của Điện Elysee, trong ngày 1/9, Tổng thống Macron sẽ gặp giới chức lãnh đạo chính trị tại Phủ Tổng thống Liban.
Trước đó, một trong những cuộc gặp đầu tiên của ông Macron sau khi tới Liban ngày 31/8 sẽ là với nữ danh ca Fairuz, nhân vật nổi tiếng ở Liban được mến mộ trên cả nước.
Bà Fairuz, 85 tuổi, được yêu thích với các bài hát về tình yêu và ca ngợi vẻ đẹp của đất nước.
Chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Liban trùng thời điểm Quốc hội Liban bắt đầu tiến hành tham vấn về ứng cử viên thủ tướng mới, thay thế ông Hassan Diab vừa từ chức./.