Phó Giám đốc khu vực Mỹ Latinh và Caribe của Ngân hàng Thế giới (WB) Felipe Jaramillo mới đây đã kêu gọi các quốc gia trong khu vực hướng tới xây dựng ngành nông nghiệp với khả năng đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng trong khi vẫn đảm bảo việc tránh gây thiệt hại thêm cho môi trường.
Phát biểu tại hội thảo công bố nghiên cứu "Toàn cảnh về vấn đề lương thực trong tương lai: Tái định hình nông nghiệp ở Mỹ Latinh và Caribe”, ông Jaramillo nhận đinh với việc áp dụng các công nghệ mới, hệ thống sản xuất nông sản của khu vực có thể đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế, giúp giảm nghèo và đảm bảo an ninh lương thực.
Quan chức của WB cho biết, nông nghiệp hiện đóng góp từ 5-18% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 20 quốc gia Mỹ Latinh và Caribe. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn nếu tính đến sự đóng góp hệ thống chế biến và phân phối thực phẩm.
Tuy nhiên, những tiến bộ đạt được trong ngành nông nghiệp tại khu vực này, phản ánh qua sản lượng và giá trị xuất khẩu ngày càng tăng cao, đã khiến môi trường tự nhiên phải trả giá đắt. Ông Jaramillo cho rằng, các nhà hoạch định chính sách nên tìm cách giải phóng tiềm năng của ngành nông nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng "bền vững và bao trùm" trong những thập kỷ tới.
[Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về phát triển Nông nghiệp Xanh tại LHQ]
Chuyên gia kinh tế nông nghiệp cao cấp tại WB Michael Morris nhấn mạnh Mỹ Latinh và Caribe phải đối mặt với thách thức tiếp tục là "vựa thóc và lá phổi" của thế giới, cùng với đó là tìm cách thúc đẩy các mô hình sản xuất nông nghiệp với phát thải carbon trung tính nhằm hạn chế và thích nghi với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu của WB đưa ra một số đề xuất nhằm đảm bảo ngành sản xuất nông sản được triển khai theo cách bền vững với môi trường, bao gồm ưu tiên hiện đại hóa cơ sở hạ tầng khoa học nông nghiệp, cải thiện vấn đề đào tạo người lao động khu vực nông thôn, tiết giảm lãng phí thực phẩm và đẩy mạnh thị trường tài chính nông thôn.
Các chuyên gia cũng kêu gọi đưa ra các biện pháp phát triển năng lực để đối phó với những mối đe dọa hiện nay như biến đổi khí hậu, áp lực nhân khẩu học và bệnh lây truyền từ động vật. Ngoài ra, các khuyến nghị của WB còn bao gồm việc "tuyên chiến với đồ ăn vặt" nhằm mang lại "lợi ích to lớn" cho sức khỏe con người và môi trường thiên nhiên.
Theo các chuyên gia của WB, các nước trong khu vực cần tăng cường các mô hình giúp "tăng sản lượng, tăng cường các dịch vụ hệ sinh thái và cải thiện khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu một cách toàn diện”./.