WMO: Nhiệt độ toàn cầu sẽ đạt kỷ lục mới trong 5 năm tới

Theo chuyên gia, hiện tượng El Nino dự kiến sẽ phát triển trong những tháng tới và điều này sẽ kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra để đẩy nhiệt độ toàn cầu lên một mức chưa từng có.
WMO: Nhiệt độ toàn cầu sẽ đạt kỷ lục mới trong 5 năm tới ảnh 1Nông dân thu hoạch lúa tại tỉnh Ayutthaya, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ngày 17/5 cảnh báo nhiệt độ toàn cầu có thể tăng lên mức kỷ lục trong 5 năm tới, giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2027, do khí nhà kính và hiện tượng El Nino.

Theo WMO, có 66% khả năng nhiệt độ bề mặt toàn cầu hàng năm sẽ tăng cao hơn 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Đây sẽ là lần đầu tiên lịch sử nhân loại ghi nhận mức tăng cao như vậy.

Ngoài ra, có 98% khả năng là ít nhất 1 trong 5 năm tới, và cả giai đoạn 5 năm nói chung, sẽ nóng nhất từng được ghi nhận.

Nhiệt độ toàn cầu có thể lên mức cao chưa từng có

Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho biết: “Hiện tượng El Nino dự kiến sẽ phát triển trong những tháng tới và điều này sẽ kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra để đẩy nhiệt độ toàn cầu lên một mức chưa từng có.”

“Điều này sẽ gây ra những tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường,” ông Petteri Taalas nói.

Thông thường, El Nino làm tăng nhiệt độ toàn cầu vào năm sau khi nó phát triển và trong trường hợp này, có nghĩa là năm 2024, thế giới sẽ phải hứng chịu những tác động của nó.

Có 98% khả năng ít nhất một trong năm năm tới, nhiệt độ trên Trái Đất sẽ phá vỡ kỷ lục được thiết lập vào năm 2016, thời điểm xuất hiện hiện tượng El Nino cực kỳ mạnh.

Báo cáo này của WMO không có nghĩa là nhiệt độ của Trái Đất sẽ vĩnh viễn vượt quá mức 1,5°C được quy định trong Thỏa thuận Paris, vốn đề cập đến sự nóng lên lâu dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, WMO đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng chúng ta sẽ tạm thời vi phạm mức 1,5°C với tần suất ngày càng tăng.

Khả năng tạm thời vượt quá 1,5°C đã tăng đều đặn kể từ năm 2015, khi nó gần bằng không. Trong các năm từ 2017 đến 2021, có 10% cơ hội vượt quá.

Thỏa thuận Paris đặt ra các mục tiêu dài hạn để hướng dẫn tất cả các quốc gia giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này ở mức 2°C đồng thời theo đuổi các nỗ lực hạn chế mức tăng hơn nữa đến 1,5°C, để tránh hoặc giảm các tác động bất lợi và các tổn thất, thiệt hại liên quan.

Con người ngày càng rời xa khí hậu quen thuộc

Các nhà khoa học cảnh báo nhiệt độ vượt ngưỡng 1,5 độ C sẽ làm tăng nguy cơ đối mặt những điểm tới hạn, có thể kích hoạt biến đổi khí hậu không thể phục hồi như sự sụp đổ của thềm băng Greenland và Tây Nam Cực, nóng nắng cực hạn, hạn hán nghiêm trọng, thiếu nước và thời tiết cực đoan ở nhiều vùng rộng lớn trên thế giới.

Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới và điều này dường như có tác động đến các hệ thống thời tiết toàn cầu.

Báo cáo của WMO cũng cho thấy có khả năng trong năm nay lượng mưa sẽ ít hơn ở Amazon, Trung Mỹ, Australia và Indonesia. Đây là thông tin cực kỳ xấu đối với Amazon, nơi các nhà khoa học ngày càng lo ngại rằng vòng luẩn quẩn của việc sưởi ấm và phá rừng có thể đẩy khu vực này từ rừng nhiệt đới sang khu vực có điều kiện giống như thảo nguyên.

Tiến sỹ Leon Hermanson, nhà khoa học của Met Office và là người đứng đầu báo cáo cho biết: “Nhiệt độ trung bình toàn cầu được dự đoán sẽ tiếp tục tăng, khiến chúng ta ngày càng rời xa khí hậu mà chúng ta quen thuộc."

Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 cao hơn khoảng 1,15°C so với mức trung bình của những năm 1850-1900. Ảnh hưởng làm mát của các điều kiện La Nina trong phần lớn thời gian của ba năm qua đã tạm thời hạn chế xu hướng nóng lên trong dài hạn.

Nhưng La Nina đã kết thúc vào tháng 3/2023 và hiện tượng El Nino được dự báo sẽ phát triển trong những tháng tới. Thông thường, El Nino làm tăng nhiệt độ toàn cầu trong năm sau khi nó phát triển - trong trường hợp này sẽ là năm 2024.

Nhiệt độ gần bề mặt trung bình toàn cầu hàng năm cho mỗi năm từ năm 2023 đến năm 2027 được dự đoán là cao hơn từ 1,1 độ C đến 1,8 độ C so với mức trung bình của những năm 1850-1900. Điều này được sử dụng làm cơ sở vì nó có trước khi phát thải khí nhà kính từ các hoạt động công nghiệp và con người./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục