Xây dựng 5 trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ bố trí vốn đầu tư xây dựng 5 trung tâm nghề cá lớn trên cả nước gắn với ngư trường trọng điểm.
Xây dựng 5 trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm ảnh 1(Ảnh minh họa: Lâm Khánh/TTXVN)

Trong giai đoạn 2015-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ bố trí vốn đầu tư xây dựng 5 trung tâm nghề cá lớn trên cả nước gắn với ngư trường trọng điểm.

Đây là thông tin được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra tại Hội nghị quản lý, đầu tư cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên cả nước và triển khai quy hoạch, thực hiện công tác này đến năm 2020, định hướng năm 2030.

Hội nghị này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức ngày 16/12 tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Với trọng tâm đầu tư là cảng cá và đồng bộ, hiện đại hóa các dịch vụ hậu cần nghề cá, gắn kết các khâu trong chuỗi giá trị thủy sản, tạo đột phá trở thành cực thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế thủy sản trong những thập niên tới. Cụ thể là các Trung tâm nghề cá Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang.

Trước mắt, năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ đầu tư cho Trung tâm nghề cá Khánh Hòa.

Theo Tổng cục Thủy sản, giai đoạn 2010-2014, tổng vốn ngân sách trung ương đầu tư nâng cấp, mở rộng một số cảng cá loại I như Quy Nhơn, Phan Thiết, Bình Đại, Lạch Bạng, Sa Kỳ khoảng 244 tỷ đồng; dự án CRSD vay vốn Ngân hàng Thế giới đang đầu tư nâng cấp 17 cảng cá, bến cá hơn 30 triệu USD.

Kết quả có 83 cảng cá trên cả nước được đầu tư nâng cấp, mở rộng đáp ứng cho khoảng 82.000 tàu cá cập cảng, trong đó toàn bộ khối tàu khai thác hải sản xa bờ 27.876 chiếc.

Sản lượng thủy sản lên cảng 1,6 triệu tấn/năm, hơn 3,3 triệu tấn nước đá, nhiên liệu và nhiều loại hàng hóa khác xuống tàu; tổng giá trị hàng thủy sản thông qua cảng hơn 50.000 tỷ đồng.

Đối với xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tổng vốn đầu tư 6.393 tỷ đồng, theo đó từ năm 2002 đến hết năm 2015, lũy kế vốn ngân sách trung ương đầu tư là 2.215,5 tỷ đồng, đạt 34,6%; vốn ngân sách địa phương giải phóng mặt bằng và đầu tư một số hạng mục dịch vụ hậu cần khoảng 200 tỷ đồng.

Như vậy, giai đoạn 2002-2014, cả nước có 70 khu neo đậu được đầu tư; hoàn thành 42 dự án công trình với công suất 31.150 tàu cá neo đậu, tập trung ở các vùng biển gồm Vịnh Bắc Bộ, miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.

Để phát triển kinh tế thủy sản hiệu quả, bền vững kết hợp với an ninh-quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung chỉ đạo các địa phương có biển triển khai thực hiện tốt Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Theo đó, Bộ sẽ bố trí nguồn vốn đầu tư thực hiện các chương trình, dự án hàng năm tăng tối thiểu gấp 2 lần so với giai đoạn 2011-2014 nhằm thực hiện, đảm bảo đẩy nhanh và hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án theo quy định. Đồng thời, rà soát, kết hợp đồng bộ quy hoạch các khu neo đậu tránh trú bão với quy hoạch cảng cá, bến cá trình Thủ tướng phê duyệt trong năm 2015.

Cung với việc đầu tư xây dựng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá có tính hệ thống, gắn với các vùng biển, từng ngư trường khai thác, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung xây dựng, nâng cấp công trình tại các đảo và một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ; kiện toàn tổ chức ban quản lý cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão hoạt động chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an ninh trật tự và bảo vệ môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục