Xây dựng nông thôn mới: Cần cân đối ngân sách khi nguồn lực phân tán

Để bảo đảm nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, một số đại biểu Quốc hội cho rằng Quốc hội và Chính phủ cần tăng hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương cho các tỉnh miền núi.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 23/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Tại cuộc thảo luận tổ diễn ra sau đó, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với sự cần thiết của chương trình, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới.

Tuy vậy, một số đại biểu cũng trăn trở khi xét theo dự kiến cơ cấu huy động nguồn lực thực hiện chương trình thì các địa phương sẽ phải cân đối nguồn lực lớn hơn, trong khi vẫn còn đó những “vùng lõi nghèo” rất khó huy động nguồn lực.

Dịch COVID-19 khiến nguồn lực bị phân tán

Dẫn lại Tờ trình chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2026 của Chính phủ, đại biểu Hoàng Đức Chính (Đoàn Quốc hội tỉnh Hòa Bình) cho hay trong tổng nguồn lực huy động thực hiện dự kiến khoảng 2,45 triệu tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương huy động thực hiện giai đoạn này là 39.632 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương khoảng 156.700 tỷ đồng.

Số còn lại là vốn lồng ghép, huy động ngoài ngân sách như vốn tín dụng; vốn doanh nghiệp; huy động đóng góp tự nguyện của người dân...

Xây dựng nông thôn mới: Cần cân đối ngân sách khi nguồn lực phân tán ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo đại biểu Hoàng Đức Chính, xét theo dự kiến cơ cấu huy động nguồn lực thực hiện này, tỷ lệ vốn ngân sách địa phương sẽ tăng đồng nghĩa với việc các địa phương sẽ phải cân đối nguồn lực lớn hơn trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Trong khi đó, không phải tỉnh nào cũng có tỷ lệ cân đối ngân sách cao.

[Cần 75.000 tỷ đồng để giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025]

Ngay như Hòa Bình - nơi ông Chính đang công tác là tỉnh miền núi có tỷ lệ ngân sách thấp. Giai đoạn trước, kinh phí hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chủ yếu do phân bổ ngân sách Trung ương, nguồn cân đối của địa phương chưa nhiều, còn lại một phần do dân góp và huy động nguồn lực khác.

“Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến cho nguồn lực bị phân tán, nếu phải nâng mức cân đối ngân sách cho chương trình xây dựng nông thôn mới thì địa phương sẽ gặp rất khó khăn,” đại biểu Hoàng Đức Chính nhấn mạnh.

Không những vậy, theo Trưởng ban Kinh tế, Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình, chưa tính đến những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn vừa qua là những xã có nhiều thuận lợi điều kiện, những xã còn lại đang phấn đấu đạt chuẩn trong giai đoạn này là những xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Việc đầu tư xây dựng nông thôn mới cần nguồn lực lớn hơn giai đoạn trước rất nhiều.

Có cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Quốc hội tỉnh Thái Bình) cho rằng tính đến thời điểm này các địa phương chưa đạt chuẩn nông thôn mới phần lớn có các xã ở vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, để đạt được mục tiêu này, giai đoạn 5 năm 2021-2026, chương trình cần tập trung mọi nguồn lực nâng cao tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới ở các khu vực xã khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Lý do mà đại biểu của tỉnh Thái Bình đưa ra là các xã có “lực” thì có thể huy động nguồn lực từ người dân, sự đóng góp của cộng đồng, doanh nghiệp, còn các xã thuộc vùng “lõi nghèo” thì chỉ có thể trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước.

Cần xây dựng cơ chế đặc thù về nguồn lực

Đề cập đến giải pháp góp phần giảm “gánh nặng” về nguồn lực ngân sách địa phương, đại biểu Hoàng Đức Chính đề xuất Quốc hội và Chính phủ nên tăng hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương cho các tỉnh miền núi để bảo đảm nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng trong bối cảnh nhiều xã “vùng lõi nghèo” còn khó khăn, nguồn lực cần chú trọng tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bảo đảm kết nối nông thôn-đô thị và các cùng miền cũng như hỗ trợ các yếu tố bền vững về giảm nghèo và an sinh xã hội như hỗ trợ sinh kế, tạo công ăn việc làm cũng như đầu tư giáo dục nghề nghiệp là rất quan trọng.

Bên cạnh việc tiếp tục đưa các xã về đích nông thôn mới, phấn đấu thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, đại biểu Thu Dung cho rằng giai đoạn này, các địa phương cần chú trọng bảo vệ kết quả của chương trình nông thôn mới.

[Phát triển nông thôn mới theo hướng bền vững, kết hợp chuyển đổi số]

Với nguyên tắc “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể,” đại biểu của Đoàn Quốc hội tỉnh Hòa Bình các địa phương cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Cùng với đó là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần giải quyết đầu ra cho nông dân để họ yên tâm sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định; từ đó, nâng cao đời sống, góp phần duy trì bền vững các chỉ tiêu nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Góp thêm ý kiến, đại biểu Quốc hội Hà Đức Minh (Lào Cai) cho rằng để đạt được mục tiêu đề ra, chương trình cần nhiều nguồn lực từ Trung ương. Quá trình thực hiện cho thấy vấn đề giao thông nông thôn, môi trường đang gặp khó khăn, cần rà soát lại các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, đại biểu Hà Đức Minh cũng lưu ý tới thực tế ngân sách địa phương còn rất hạn chế, để hoàn thành các mục tiêu của dự án nêu ra thì cần rất nhiều sự hỗ trợ từ Trung ương. Thực tế triển khai thì vướng mắc nhất vẫn là nguốn vốn, nếu ở cùng một định mức tiền thì ở vùng đồng bằng làm được 1km đường nhưng lên đến vùng cao thì chỉ được 600m vì giá vật liệu, chi phí vận chuyển, nhân công đã khác. Do đó, cần xây dựng cơ chế đặc thù, có đột phá về thể chế, có nguồn lực.

Cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề xuất cần rà soát để tránh tình trạng có những hộ gia đình được hưởng cả 3 chính sách, có hộ không được hưởng chế độ chính sách nào.

Bên cạnh đó, chương trình cần quan tâm đến vấn đề sinh kế cho người nghèo, khảo sát các vùng có thế mạnh, đầu tư tránh dàn trải, tiếp cận thông tin, hỗ trợ cơ sở hạ tầng thiết bị, hỗ trợ điện thoại thông minh để tiếp cận tiêu thụ sản phẩm qua sàn giao dịch thương mại điện tử../.

Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến hết năm 2020, Chương trình đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới so với mục tiêu. Đến tháng 7/2021, cả nước có 64,6% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 194 đơn vị cấp huyện (chiếm 29%) thuộc 51 tỉnh, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 tỉnh đã được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm (gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục