Xe buýt Hà Nội sống mòn, chờ “bàn tay” can thiệp từ Nhà nước

Nhiều lái xe ám ảnh nghề nghiệp đến nỗi “tối về ngủ với vợ vẫn chỉ mơ tới chân đạp côn, thậm chí còn ví von lái buýt còn khó hơn cả… lái xe tăng”.
Xe buýt chưa có làn đường dành riêng nên vẫn phải len lỏi giữa các phương tiện giao thông khác. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)
Xe buýt chưa có làn đường dành riêng nên vẫn phải len lỏi giữa các phương tiện giao thông khác. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Xe buýt “hung thần,” đi ẩu nên hay gây tai nạn… - những tài xế xe buýt khi được nhắc đến cụm từ này đều trũng đôi mắt buồn, ẩn sâu trong đó là nỗi niềm khó nói, góc khuất về nghề phục vụ “chiều lòng thiên hạ.”

Trong khi hạ tầng chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của phương tiện cá nhân, xe buýt vẫn phải len lỏi giữa một “rừng” phương tiện và việc “ăn chửi” khi tạt đầu xe vào các điểm dừng đón trả khách là chuyện thường ngày...

Rõ ràng, xe buýt sẽ không thể phát triển nếu như người dân không từ bỏ xe cá nhân và hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Cùng lúc, cơ quan quản lý Nhà nước phải có những chính sách, cơ chế nhằm thúc đẩy loại hình vận tải công cộng chủ lực của thành phố Hà Nội ngày càng phát triển.

Bài 1: Tài xế xe buýt: “Tối ôm vợ vẫn mơ tới chân đạp côn!”

Sau chặng hành trình dài “chen chân” giữa các phương tiện trong giờ cao điểm về tới bến xe Mỹ Đình, anh Đoàn Thanh Xuân, nhân viên lái xe buýt tuyến 53B bến xe Mỹ Đình-Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh) vội vã chạy vào hàng tạp hóa gọi bát mỳ tôm.

Chưa đầy 2 phút kể từ khi được đổ nước sôi, một vài viên đá lạnh nhỏ được bỏ vào bát mỳ tôm đang nghi ngút khói. Thấy vị khách “mắt tròn mắt dẹt,” anh Xuân bảo: “Một trong những nguyên tắc bắt buộc lái xe buýt phải tuân thủ là đúng giờ nên ‘mỳ tôm đá’ là món ăn thường gặp.”

Làm bạn với “mỳ tôm đá”

Có thâm niên cầm lái buýt gần 5 năm, anh Xuân thuộc vanh vách từng ổ gà hay hố ga của đoạn đường tuyến buýt 53B. Với quan điểm ‘lái xe là an toàn, về đến nhà là hạnh phúc, vui vẻ’ nhưng đằng sau chiếc vô lăng để lại cho anh Xuân không ít chuyện buồn.

Theo anh Xuân, lái xe bus làm việc theo ca, trung bình chạy từ 8-9 tiếng/ngày và được nghỉ 10 phút giữa mỗi lượt đi và về để vệ sinh cá nhân, nếu tắc đường thì quãng thời gian 10 phút ngắn ngủi này cũng không có. Vì thế, hành khách đi xe buýt không hiếm gặp cảnh xe lăn bánh, tranh thủ lúc dừng đèn đỏ hoặc ùn tắc, lái xe ăn kiểu “gặm nhấm” bánh mỳ, phụ xe ngồi ở bậc cửa ăn xôi.

“Mỗi ngày, lái xe buýt có 2 ca làm, nếu làm sáng lái xe phải dậy lúc 3 giờ 30 để chuẩn bị 5 giờ xe xuất bến. Làm ca chiều luôn về muộn, thường 1 giờ sáng mới có mặt ở nhà. Những hôm trời mưa gió đi làm vô cùng vất vả,” anh Xuân ngậm ngùi chia sẻ.

[Phương tiện công cộng đáp ứng 60,5% Hà Nội mới dừng hoạt động xe máy]

Cũng bởi vậy, nhịp sinh hoạt của anh Xuân và nhân viên bán vé đảo lộn, rất khác so với những lao động Nhà nước thông thường. Khi anh đi làm ca sáng, vợ con còn đang ngủ, lúc về thì vợ con lại đi làm, đi học. Ngược lại, nếu làm ca chiều thì vợ đi làm, con đi học, đến đêm mới về thì vợ con đều đã ngủ.

“Công việc triền miên không có ngày nghỉ (trừ ốm đau, nghỉ phép) vì xe không bao giờ dừng. Ngày mùng Một Tết Nguyên đán ưu ái hơn do được ‘mở hàng’ vào lúc 9 giờ sáng, ngày 30 Tết đóng bến lúc 18 giờ. Lái xe, nhân viên bán vé muốn về sum họp bên mâm cơm tất niên gia đình thì cũng phải 20 giờ tối. Những ai ở xa về đến nhà có khi đã Giao thừa. Mà không chỉ có lái xe, bán vé mà cả bộ máy liên quan đến vận hành cũng phải chạy theo, từ thợ bảo dưỡng, rửa xe, thu ngân, điều hành... theo ca kíp. Những người làm nghề lâu năm đều cảm nhận không có được những ngày Tết trọn vẹn,” anh Xuân thở dài.

Xe buýt Hà Nội sống mòn, chờ “bàn tay” can thiệp từ Nhà nước ảnh 1Anh Đoàn Thanh Xuân, lái xe buýt tuyến 53B bến xe Mỹ Đình-Khu công nghiệp Quang Minh chia sẻ những vất vả, khó khăn của nghề tài xế buýt. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Là tài xế đạt giải Vô lăng vàng năm 2018 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, anh Nguyễn Đắc Minh, lái xe buýt tuyến 95 Nam Thăng Long-Đại học sư phạm 2 Xuân Hòa (Vĩnh Phúc) có 20 năm gắn bó với nghề “làm dâu trăm họ.”

Theo anh Minh, nhiều lái xe, nhân viên bán vé luôn có những điểm bán hàng quen trên tuyến để gọi điện đặt trước rồi tranh thủ vài chục giây để chạy xuống nhận đồ, trả tiền rồi mang lên xe. Bữa ăn thường trực vẫn luôn ở trên xe, trên tuyến.

Đặc biệt, tại các điểm đầu cuối, ngoại trừ các bến xe thì hầu hết (90-95%) không có nhà vệ sinh, do đó, cánh tài xế như anh Minh còn phải tranh thủ... đi vệ sinh khi tới bến.

Trên xe buýt cũng là một xã hội thu nhỏ với muôn hình vạn trạng, đủ các thành phần, người bán vé phải chịu áp lực, sợ nhất là tình trạng trốn vé vì bị phạt rất nặng.

“Với trường hợp hành khách không chủ động mua vé, cố tình trốn vé hoặc vé tháng của người này cho người khác mượn để đi. Lực lượng giám sát (kiểm tra xác suất) phát hiện được sẽ trừ điểm, hạ thi đua gây ảnh hưởng tới thu nhập. Đó là nỗi oan cho nhân viên bán vé,” anh Trần Văn Vũ, nhân viên bán vé tuyến 96 Công viên Nghĩa Đô-Đông Anh chia sẻ.

Lái xe kiểu... điền vào chỗ trống

Khi đề cập đến những cụm từ lái xe buýt là “hung thần đường phố, không sợ trời sợ đất, đi ẩu nên hay gây tai nạn…,” những tài xế xe buýt trên trũng đôi mắt buồn, ẩn sâu trong đó là nỗi niềm khó nói về nghề phục vụ “chiều lòng thiên hạ.”

Theo anh Minh, phải có tinh thần thép, lòng yêu nghề mới đủ sức trụ lại bởi áp lực về thời gian đã khiến không ít người bỏ nghề do thiếu thốn thời gian chăm sóc gia đình. Đến thời điểm này, nghề lái xe buýt không còn thực sự hấp dẫn đối với người lao động.

“Thu nhập bình quân lái xe buýt dao động khoảng 10-12 triệu đồng/tháng nếu đi làm đủ ngày công. Cách đây 5-10 năm, nghề xe buýt rất hấp dẫn nhưng bây giờ ngược lại bởi một nguồn lực rất lớn chạy sang lái xe cho các công ty của khu công nghiệp lớn, thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, công việc nhàn nhã hơn, không có chuyện phải chạy đêm hôm, chỉ chạy mỗi lượt cả sáng và chiều,” anh Minh nói.

Xe buýt Hà Nội sống mòn, chờ “bàn tay” can thiệp từ Nhà nước ảnh 2Lái xe buýt rất vất vả và phải có thần kinh thép mới trụ vững được với nghề. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Chưa kể, lái xe buýt nản nhất là đường ngày càng tắc, nếu ngồi trên xe buýt ở những hàng ghế đầu nhìn xuống đường mới thấy được đầu óc “căng như dây đàn.”

“Xe buýt dài 10m, chỉ kém xe container, trong khi cứ 500-700m lại phải ra vào điểm dừng để đón trả khách. Trong điều kiện ùn tắc giao thông, xe buýt phải gồng mình bơi trong trong vòng vây hoạt động của các loại hình phương tiện khác, với tài xế buýt mới lái dễ “choáng” và bò ra đường. Do không có làn đường dành riêng, xe buýt phải đi theo kiểu… điền vào chỗ trống và tạt đầu phương tiện bởi nếu nhường thì không biết lúc nào mới hoàn thành chuyến xe,” anh Minh giãi bày.

['Chỉ mặt' nguyên nhân khiến người dân dần 'quay lưng' với xe buýt]

Thậm chí, nhiều lái xe buýt phải chịu tai bay vạ gió khi xảy ra tai nạn và cả sự ám ảnh trong suốt phần đời còn lại. Hay cả khi xe đã quá đông, buộc phải bỏ điểm dừng, cánh tài xế lại nhận những tiếng chửi thầm của hành khách.

Chính vì thế, cánh lái xe buýt Hà Nội vẫn truyền tai nhau rằng, nhiều lái xe ám ảnh nghề nghiệp đến nỗi “tối về ngủ với vợ vẫn chỉ mơ tới chân đạp côn, thậm chí còn ví von lái buýt còn khó hơn cả… lái xe tăng.”

Vất vả là thế, nhưng những tài xế còn bám trụ với nghề bảo rằng chưa có ý định rời vô lăng bởi nhiều lúc nếu nghỉ một ngày đã thấy nhớ xe, chỉ mong mau đến hôm sau để được dậy sớm đi làm.

Chia tay, tôi tự hỏi đâu là động lực giúp họ vững vàng trong công việc và những nỗi buồn, vất vả mệt nhọc đã rèn luyện thêm kiên nhẫn để bám trụ với nghề mình đã chọn? Và, mấy ai hiểu cho nghề tài xế xe buýt.../.

Bài 2: Xe buýt gồng mình “bơi” trong “vòng vây” của xe cá nhân

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục