Xóm phụ nữ đơn thân

Xóm những phụ nữ đơn thân nuôi con thành tài

Sự tình cờ đã gắn kết những người phụ nữ một thân một mình nuôi con ở Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu thành một gia đình.
Những người phụ nữ ở thôn Thạch Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu, người thì chồng chết, người thì chồng bỏ đi. Nhưng sự tình cờ đã gắn kết họ lại với nhau như một đại gia đình.

Thân cò lặn lội...

Chị Lê Thị Bình, tổ trưởng tổ dân cư 36, thôn Thạch Long, cho biết mỗi người trong thôn có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng các chị đều có điểm chung là phải tự chèo lái “con thuyền” gia đình trong cảnh một mình.

Những người phụ nữ này đến từ nhiều miền quê khác nhau, người quê Bến Tre, người gốc Quảng Trị, người đến từ xứ Huế…quần tụ về đây, người ít thì cũng sống ở đây gần chục năm, người nhiều cũng gắn bó với thôn này gần 20 năm.

Trong tổng số 40 hộ dân đang sinh sống tại thôn, thì đã có đến 22 hộ mà chủ gia đình là những người phụ nữ đơn thân và phần lớn trong số họ đều sống tập trung tại tổ dân cư 36.

Lúc đầu cũng chỉ có vài ba người có hoàn cảnh đơn thân, rồi chẳng hiểu sao, con số này cứ thế nhiều lên theo thời gian. Lý do để những người đàn bà này trở thành những người phụ nữ đơn thân cũng có nhiều, đó là do chồng chết sớm vì bệnh tật, chồng bỏ đi vì có vợ bé hoặc do nghèo khổ quá mà chồng bỏ đi biệt tích.

Đến thăm nhà chị Lê Thị Bình, chị ngậm ngùi: “Nói đâu xa, gần 20 năm qua, mọi việc lớn nhỏ trong nhà, tôi cũng phải một mình cáng đáng hết”. Bằng giọng nghèn nghẹn, chị kể về câu chuyện đời mình.

Năm 1974, khi vừa tròn 20 tuổi, chị lập gia đình và theo chồng về Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận sinh sống. Đến năm 1980, 2 vợ chồng chị quyết định lên vùng đất này lập nghiệp.

Với số tiền dành dụm được, anh chị mua được đất cất nhà, mở một cửa hàng nhỏ sửa xe. Nhờ chí thú làm ăn, cuộc sống gia đình chị khấm khá dần lên, các con cũng ngoan ngoãn học hành, lúc đó, chị thật sự thấy mình hạnh phúc.

Nhưng rồi chẳng hiểu sao, đến năm 1990, anh sinh tật, có bồ nhí, có con với cô bồ đó, chểnh mảng việc gia đình. Lúc đầu, anh cũng cứ đi đi về về thăm mẹ con chị, rồi đến năm 1994, anh bỏ đi hẳn theo vợ bé cho đến tận bây giờ.

Cũng từ ngày ấy, không biết đã bao đêm dài nước mắt chị nuốt ngược vào trong. Phần vì thương 3 đứa con còn nhỏ dại, phần tủi cho phận mình. Những ngày tháng vừa làm mẹ, vừa làm cha, với chị thật sự là những tháng ngày đầy khó khăn, vất vả, giờ nghĩ lại đôi khi chị vẫn thấy rùng mình.

Nhưng người phụ nữ đầy nghị lực này đã vượt lên tất cả, làm đủ mọi nghề để kiếm tiền nuôi con ăn học nên người. Không chỉ vậy, trước khi giữ chức tổ trưởng tổ dân cư 36, chị còn có một thời gian giữ chức Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kim Long 2 khoá liền (từ 1993 - 2003).

Chị Phạm Thị Thể, 49 tuổi và cậu con trai duy nhất hiện đang sống trong căn nhà tuềnh toàng của bố mẹ chị để lại. Chị kể, năm 1985 chị lập gia đình, lúc đó, cả 2 vợ chồng chị đều là công nhân cạo mủ cao su tại Xà Bang. Năm 1986, khi đứa con trai duy nhất chưa đầy một tuổi, chồng chị bỏ mẹ con chị ra đi với lý do khác đạo và cuộc sống quá nghèo khó (chồng chị theo đạo công giáo, chị theo đạo Phật).

Trước hoàn cảnh đó, chị đành bỏ việc, về sống dựa vào bố mẹ ruột tại thôn Thạch Long này từ ngày đó cho đến tận bây giờ. Ngoài thu nhập chính là vườn chuối trong nhà, chị còn làm thuê, làm mướn đủ nghề như hái càphê, bẻ bắp, làm cỏ… để trang trải cuộc sống của 2 mẹ con.

Còn cô Nguyễn Thị May, 58 tuổi thì chồng mất cách đây 12 năm vì bệnh, để lại cho cô 7 người con. Một mình vừa buôn bán, vừa tranh thủ làm thêm rẫy để nuôi con. Cứ thế, mẹ con đùm bọc lẫn nhau bằng cuộc sống chắt chiu, bữa đói, bữa no đắp đổi qua ngày.

Vẫn tin ở ngày mai

Hơn 20 năm nuôi con một mình chưa một ngày chị Thể được an nhàn. Căn nhà gỗ của bố mẹ chị để lại nay mái đã thủng, dột nhiều nơi, vách cũng đã nát do mối ăn, mọi thứ đều cũ kỹ. Chị bảo, từ lúc về ở đây cho đến tận bây giờ, chị chưa sắm sửa một thứ gì, trừ chiếc tivi. Còn ăn uống thì khỏi phải bàn, có khi một nồi cá kho lên, chị ăn cả chục ngày mới phải đi chợ lại.

Vất vả là vậy, nhưng chị vẫn luôn cố chắt chiu, giành giụm để lo cho con ăn học cho bằng bạn, bằng bè. Bởi đó là hy vọng và cũng là hạnh phúc của đời chị. Không phụ lòng mẹ, hiện, cậu con trai của chị cũng đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa khoa Lý-Hóa và đã đi làm.

Trong 7 người con của cô May thì đã có 2 người tốt nghiệp đại học. Để lo cho con ăn học, cô từng phải bán dần vườn tược, vay chỗ này, đập chỗ kia. Nhưng cô bảo, được cái, các con cô đều rất thương yêu nhau và có hiếu với mẹ.

Người trước ra trường, có việc làm lại tiếp tục phụ mẹ nuôi em ăn học. Chỉ riêng điều này thôi, dù có vất vả bao nhiêu, cô cũng thấy vui.

Cô khoe thêm, hiện người con đầu đã mở được công ty riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh và đang chu cấp cho 2 người em út đang theo học đại học, trung cấp.

Chỉ vào căn nhà xây khang trang của mình, cô cho biết thêm: “Trước, căn nhà này chỉ được thưng bằng lá thôi, rách nát, lụp xụp do mối ăn tứ phía. Cách đây 2 năm, thằng cả cho tiền nên tui mới xây được thế này. Thấy con làm ăn được, tui cũng mừng . Công ty hắn mở ra mấy đứa em cũng vào đấy làm rồi, còn 2 đứa đang học sau khi ra trường cũng sẽ vào đó làm luôn”.

Trong tổng số 22 chị đơn thân ở thôn Thạch Long này, thì có đến 11 chị có con đang theo học đại học, cao đẳng hoặc đi làm công nhân tại các xí nghiệp. Cuộc sống phía trước dẫu còn nhiều những vất vả, gian nan, nhưng các chị vẫn luôn vững tin vào một ngày mai tươi sáng. Bởi, tương lai của họ chính là những đứa con./.
Hoàng Nhị (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục