Xử lý nghiêm xe Grab hoạt động ngoài phạm vi địa phương thí điểm

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội và UBND các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc đề nghị xử nghiêm xe ứng dụng Grab hoạt động trái phép trên địa bàn.
Xử lý nghiêm xe Grab hoạt động ngoài phạm vi địa phương thí điểm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: techinasia.com)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban Nhân dân các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc đề nghị xử nghiêm xe ứng dụng Grab hoạt động trái phép trên địa bàn.

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (xe GrabCar) trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1755/2018 và quy định tại Quyết định số 24/2016 của Bộ Giao thông Vận tải.

Bộ cũng đề nghị các địa phương trên tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng của địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành các vi phạm (nếu có) đối với lái xe, đơn vị vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm đối với hoạt động vận tải có ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn địa phương mình.

Đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu đơn vị này chấp hành đúng quy định của pháp luật hiện hành, quy định tại Quyết định số 24/2016 của Bộ Giao thông Vận tải và quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

“Grab không triển khai thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách bằng xe ôtô theo hợp đồng (hợp đồng vận tải điện tử) trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc. Không được làm việc trực tiếp với lái xe taxi để cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khi chưa có sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và Sở Giao thông Vận tải Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc (bao gồm cả xe taxi)," Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu.

Tính đến thời điểm này, ngoài các ứng dụng trên, còn 12 đơn vị khác được tham gia đề án thí điểm kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng theo Quyết định số 24/2016 của Bộ Giao thông Vận tải gồm Công ty cổ phần Be Group (ứng dụng Be), Công ty cổ phần thương mại điện tử Vận Thông (Vato), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Uber Việt Nam (Uber) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn GrabTaxi (Grab Car), Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (V.Car), Công ty cổ phần Vận tải 57 Hà Nội (Thanh Cong Car), Công ty cổ phần Sun Taxi (S.Car), Công ty cổ phần Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic.Car), Công ty cổ phần Hợp tác đầu tư và Phát triển (Home Car), Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Car), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Du lịch Linh Trang (LB.Car), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phúc Xuyên (Emddi-Quảng Ninh).

[Grab đề xuất bỏ yêu cầu bắt buộc phải gắn mào với ‘xe công nghệ’]

Theo Bộ Giao thông Vận tải, ngày 19/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép Bộ Giao thông Vận tải triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Công văn số 1850/TTg-KTN).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016. Theo đó, tất cả các đơn vị có đề án cụ thể phù hợp với tính chất, phương thức vận hành của từng ứng dụng, phù hợp các cam kết, thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị có liên quan và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật đều được tham gia thí điểm (bản chất của việc thí điểm là cho phép sử dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng văn bản).

Việc thí điểm sẽ được triển khai tại năm tỉnh, thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh trong vòng hai năm (từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2018). Về đơn vị tham gia thí điểm có Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng kết nối xe hợp đồng khác phải tùy vào tính chất, đặc điểm riêng cụ thể để có đề án thí điểm riêng.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1755/2018 về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách khách theo hợp đồng cho đến khi Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP) được ban hành và có hiệu lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục