Xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng: Trận địa trắng!

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng vẫn là một trận địa trắng mà cơ quan chức năng chưa làm được.
Giữa những dãy hàng ghế xanh cùng với những hành khách đang ngồi chờ xe, người đàn ông trung tuổi mặc áo xanh thẫm với mái tóc đã điểm bạc, chậm rãi rút từ trong túi ra một điếu thuốc.

Sau tiếng quẹt của bật lửa, điếu thuốc hồng lên và những làn khói trắng phì phèo thi nhau tuôn ra từ miệng của người đàn ông tuổi đã ngoài tứ tuần đó.

Cứ mỗi chốc, làn khói thuốc lại được người đàn ông “hồn nhiên” thổi vào không gian nhà chờ Bến xe khách Mỹ Đình khiến nhiều người xung quanh cảm thấy khó chịu.

Hình ảnh này cũng dễ bắt gặp ở rất nhiều bến xe, nhà ga và các điểm công cộng khác như bệnh viện, điểm vui chơi công cộng...

“Con nghiện” vẫn vô tư xả khói thuốc

Trong khu vực nhà chờ của Ga Hà Nội, một người đàn ông trung tuổi, tên Đ.T.H (quê ở Thanh Hóa) tay cầm điếu thuốc lá trong tư thế một chân gác lên thành ghế, chân kia buông thõng ung dung "rít thuốc," gương mặt tỏ ra khá thỏa mãn. Bên cạnh ông, một cô gái vừa lấy tay quyệt vội những giọt mồ hôi lăn trên trán vừa xua xua những làn khói thuốc ra khỏi chỗ của mình.


Khi được hỏi ông có biết hành vi trên là vi phạm quy định về Luật phòng, chống tác hại thuốc lá hay không thì ông H. tỏ vẻ khó chịu và đáp: “Tôi cũng có nghe mang máng, nhưng bí quá nên tranh thủ hút một điếu. Mà tôi cũng có thấy ai xử phạt đâu?”

Ông H. cũng cằn nhằn thêm: “Ngồi chờ xe cả tiếng đồng hồ, chỗ nào cũng treo biển cấm hút thuốc thì những người nghiện thuốc lá biết ngồi đâu để hút.”

Tại Bệnh viện K Hà Nội - Một cơ sở đầu ngành của ngành y tế từng đưa ra rất nhiều cảnh báo về việc có 30% số bệnh nhân ung thư với nguyên nhân là do thuốc lá gây ra nhưng tình trạng người dân vi phạm về hút thuốc vẫn còn nhiều. Trong khuôn viên của bệnh viện, tấm biển cấm hút thuốc lá màu đỏ chót được treo trang trọng và bắt mắt ở ngay chính lối đi, bên cạnh đó là tấm biển chỉ dẫn nơi phát hiện ung bướu.

Giữa 11 giờ trua nắng chang chang, người đàn ông mặc áo cộc màu ghi xám (ảnh), bước chân đang hối hả chạy đi mua cơm cho người thân, trên tay là chiếc cặp lồng màu xanh bé xinh xinh. Có lẽ, sự vội vã, những căng thẳng lo cho người nhà và thói quen khó bỏ khiến người đàn ông đó đưa vội điếu thuốc lên miệng hút, bất chấp những tấm biển cảnh báo cấm hút thuốc lá nơi bệnh viện...

Xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng: Trận địa trắng! ảnh 1

Một người đàn ông ngang nhiên hút thuốc ngay trước tấm biển cấm hút thuốc tại Bệnh viện K.
(Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Rõ ràng, cả hai người đàn ông trên cùng rất nhiều những người khác khó có thể bỏ được ngay thói quen hút thuốc lá! Thậm chí, vì thói quen, họ sẵn sàng vô tư vi phạm và cũng chẳng màng đến những quy định của luật pháp về hành vi này nơi công cộng.

Theo những quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, tại những nơi như bệnh viện, trường học là điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và phạm vi khuôn viên; những địa điểm công cộng như nhà ga, bến xe, nơi làm việc... thì cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà

Tuy nhiên, sau một tháng rưỡi triển khai luật trên, theo khảo sát của phóng viên Vietnam+, tình trạng người dân vi phạm, hút thuốc tại những nơi công cộng tại các bến xe, nhà ga, thậm chí ngay cả ở các bệnh viện vẫn diễn ra phổ biến hàng ngày, hàng giờ.

Lý giải vì sao vẫn còn tình trạng người hút thuốc vi phạm, ông Đỗ Đức Minh - Trưởng phòng Hành chính-Quản trị, Bệnh viện K Trung ương phân tích, mỗi ngày bệnh viện có tới 4.000-5.000 bệnh nhân điều trị, chưa kể người nhà của bệnh nhân đi kèm, nên việc kiểm soát rất khó khăn.

“Bảo vệ chỉ có thể trông thấy người hút thuốc lá rồi yêu cầu dập đi hoặc phải đi ra ngoài. Nhưng đến 11-12 giờ đêm người nhà bệnh nhân lén lút hút thuốc thì rất khó kiểm soát được,” ông Minh cho hay.

Với khuôn viên rộng như Bệnh viện Bạch Mai thì việc quản lý bệnh nhân và những người nhà bệnh nhân hút thuốc quả là điều vô cùng khó khăn.

Theo ông Đỗ Trọng Tài, Trưởng phòng Hành chính quản trị, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày tại bệnh viện có khoảng 15.000 lượt người ra vào, trong đó có khoảng 4.000 bệnh nhân ngoại trú; 3.000 bệnh nhân nội trú, trong khi đó một bệnh nhân nội trú tối thiểu có một người nhà đi chăm sóc, rồi khách đến thăm bệnh nhân, khách đến làm việc với bệnh viện... Vì vậy, việc theo dõi và quản lý người hút thuốc quả là bài toán khó.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chương, Phó trưởng Ga Hà Nội bày tỏ: “Tại ga vẫn còn tình trạng người dân vi phạm hút thuốc tại phòng mua vé, phòng khách và phòng đợi là do hiện nay nhà ga cũng chưa có khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá. Thêm vào đó, phạm vi để hành khách chờ tại ga rất rộng, nên cũng rất khó để cấm và theo dõi chặt hành khách hút thuốc.”

Mở lối thoát cho những “con nghiện”

Đề cập đến vấn đề xử phạt người vi phạm hút thuốc lá, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng phải thừa nhận rằng: “Đây vẫn là một trận địa trắng mà cơ quan chức năng chưa làm được. Vì vậy, nên tình trạng người hút thuốc bừa bãi tại nhiều nơi vẫn phố biến.”

Lý giải về vấn đề trên ông Quang phân trần, hiện nay việc xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng gặp rất nhiều khó khăn, bởi địa điểm hút thuốc trên phạm vi rộng, đối tượng hút nhiều , mặc dù theo Luật có nhiều lực lượng xử phạt, nhưng mỗi đơn vị đó số lượng cán bộ lại mỏng, trong khi họ phải đảm nhiệm khá nhiêu công việc. Do đó, công tác xử phạt người hút thuốc lá khó khả thi.

Nói về việc triển khai việc xử phạt việc hút thuốc lá không đúng nơi quy định, một vị đại diện Thanh tra Bộ Y tế cho biết, hiện nay, một khó khăn rất lớn đối với lực lượng thanh tra trong việc thực thi những quy định của Luật phòng chống tác hại của thuốc lá là lực lượng rất thiếu.

“Đội ngũ nhân viên thanh tra Bộ Y tế rất mỏng, hiện chỉ có 35 người. Lực lượng thanh tra tại các sở y tế thì trừ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng thanh tra của Sở Y tế Hà Nội có khoảng hơn 10 người, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng hơn 20 người. Các tỉnh, tại các sở Y tế thì lực lượng y tế rất mỏng, có nơi có 3 người, thậm chí có nơi chỉ có 2 người,” vị thanh tra trên cho biết.

Mặt khác, ông Quang thừa nhận việc xử phạt người hút thuốc lá đến nay vẫn là một cuộc chiến lâu dài, bởi các chế tài xử phạt vẫn còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Hiện nay, quy định xử phạt hành vi vi phạm Luật phòng chống tác hại thuốc lá đã được Bộ Y tế trình nghị định xử phạt lên Chính phủ, hy vọng trong thời gian sớm nhất sẽ được ban hành.

Vì vậy, Bộ Y tế xác định, trong giai đoạn đầu ban hành luật tập trung vào công tác truyền thông để giáo dục, thuyết phục và trông chờ vào sự tự giác của mỗi người dân, để góp phần xây dựng một xã hội không khói thuốc.

Theo các chuyên gia y tế, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc cấm người dân hút thuốc là rất khó. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần quy hoạch để có một nơi dành riêng cho người hút thuốc, để họ dần thay đổi thói quen chỉ được hút tại những nơi được phép thì việc thực thi luật sẽ tốt hơn.

Khảo sát của phóng viên Vietnam+ cho thấy, hiện nay tại nhiều địa điểm công cộng như bến xe, ga tàu… chưa có những phòng dành riêng cho người hút thuốc. Tuy nhiên, tại Sân bay Quốc tế Nội Bài hay nhiều khách sạn nổi tiếng tại Việt Nam đã làm rất tốt việc có nơi dành riêng cho người hút thuốc.

Xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng: Trận địa trắng! ảnh 2

Quang cảnh một căn phòng dành riêng cho người hút thuốc tại Sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Ông Nguyễn Huy Dương, Phó Giám đốc Cảng hàng không Sân bay quốc tế Nội Bài cho biết, tại nhà ga hành khách T1 có 8 phòng dành riêng cho người hút thuốc lá gồm cả phòng Vip và phòng dành cho hành khách phổ thông.

Ông Dương cho hay, việc sân bay bố trí có nhiều phòng hút thuốc lá nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách. Bởi số lượng hành khách hàng năm đều tăng thêm, mỗi năm sân bay có 12 triệu khách, tương đương với mỗi ngày có gần 33.000 lượt khách, với khoảng 250 chuyến bay mỗi ngày.

“Việc có những phòng hút thuốc lá riêng biệt sẽ bảo vệ sức khỏe của người dân. Vì vậy những năm qua, hầu như tại sân bay không có trường hợp nào vi phạm hút thuốc ở khu vực nhà chờ,” ông Dương nhấn mạnh.

Về việc quy hoạch điểm riêng cho những người hút thuốc, khách sạn Saigon Morin Huế (ở Thành phố Huế) cũng là một nơi thực hiện khá tốt việc bố trí một địa điểm ngoài trời rộng 100 mét dành riêng cho người hút thuốc, với những hướng dẫn đầy đủ của nhân viên khách sạn.

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Phòng tổ chức hành chính Khách sạn Saigon Morin Huế cho biết, là một đơn vị kinh doanh dịch vụ hành khách thực hiện nói không với thuốc lá, khách sạn đã đưa ngay quy định cấm hút thuốc lá trong giờ làm việc với 225 nhân viên và đó cũng là một tiêu chí trong phong trào thi đua khen thưởng của khách sạn. Bên cạnh đó, toàn bộ hành khách đều không được hút thuốc trong khách sạn, khi họ có nhu cầu sẽ được nhân viên chỉ dẫn ra khu vực trên để hút...

Trong khi đó, Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tiến Thành cho biết, hiện nay bến xe vẫn chưa có phòng dành riêng cho người hút thuốc lá. Nguyên nhân là do trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách, chưa có quy định bắt buộc về việc phải có phòng dành riêng cho người hút thuốc lá, hơn nữa chi phí dành riêng cho một phòng này cũng khá tốn kém. Vì vậy, Bến xe Giáp Bát vẫn chưa triển khai hạng mục này. Ông Thành cũng nhấn mạnh, nếu như có quy định bắt buộc phải có phòng dành riêng cho người hút thuốc thì bến xe cũng sẵn sàng thực hiện.

Vì vậy, để thực thi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, theo các chuyên gia, bên cạnh công tác tuyên truyển nâng cao nhận thức của người dân, nên chăng, tại các địa điểm công cộng không cấm hút thuốc hoàn toàn, các cơ quan chức năng nên sớm có những quy định, quy hoạch có phòng dành riêng cho người hút thuốc để dần họ thay đổi hành vi và hút thuốc đúng nơi quy định./.

Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục