Xúc động đám cưới tập thể của 46 cặp đôi khuyết tật diễn ra tại Hà Nội

Đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12) và hưởng ứng Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020.
Ngày 6/12 tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện 'Giấc mơ có thật'. Đây là một nghi lễ cưới của 46 cặp đôi người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngày 6/12 tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện 'Giấc mơ có thật'. Đây là một nghi lễ cưới của 46 cặp đôi người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Lễ cưới tập thể “Giấc mơ có thật” lần thứ 3 năm 2020 diễn ra ngày 6/12 với góp mặt của 46 cặp đôi là người khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện đang sinh sống tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12) và hưởng ứng Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020.

[Những khoảnh khắc xúc động trong đám cưới tập thể 'Giấc mơ có thật']

Lễ cưới trang trọng với đầy đủ nghi lễ truyền thống trong sự chứng kiến không chỉ của người thân, bạn bè mà còn có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm tham dự sẽ là một trải nghiệm không phải ai cũng có trong đời.

“Trước đây, vì hoàn cảnh không cho phép, chúng tôi chỉ làm mấy mâm tiệc nho nhỏ để chung vui. Hôm nay, tham dự buổi chụp ảnh cưới và lễ dâng hương, chúng tôi rất xúc động khi góp mặt ở một chương trình rất ý nghĩa đối với chúng tôi như thế này,” anh Trương Xuân Lâm và chị Nguyễn Thị Hoa đến từ thành phố Quy Nhơn chia sẻ trong hạnh phúc trào dâng tại sự kiện.

Xúc động đám cưới tập thể của 46 cặp đôi khuyết tật diễn ra tại Hà Nội ảnh 1Các cặp vợ chồng cùng nhau chúc mừng cho một đám cưới viên mãn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Giấc mơ có thật” năm 2020 là một hoạt động xã hội mang tính nhân văn sâu sắc nhằm khuyến khích sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của người Khuyết tật và hành động vì sự hòa nhập, phát triển của người khuyết tật trong mọi mặt của xã hội. Sự hòa nhập của người khuyết tật là điều kiện cần thiết để duy trì quyền con người, sự phát triển bền vững, hòa bình và an ninh. Nó cũng là cam kết quan trọng của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững để “không ai bị bỏ lại phía sau”.  

Trước lễ cưới chính thức, với sự hỗ trợ của Cơ quan liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), các cặp đôi và gia đình đã cùng nhau trao đổi với các chuyên gia và những phụ nữ khuyết tật truyền cảm hứng khác về cách thức xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng, nhằm trang bị những kiến thức cần thiết, giúp cho các cặp đôi vững tin xây dựng cuộc sống hạnh phúc, loại bỏ các nguy cơ bạo lực gia đình.

Buổi nói chuyện cũng cung cấp và giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ cần thiết và can thiệp khủng hoảng khi phụ nữ và trẻ em cần trợ giúp. Các cặp đôi và gia đình đều tham gia thể hiện cam kết xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong hôn nhân và nói không với mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

“Thông qua chương trình, chúng tôi muốn gửi thông điệp chung để gửi tới xã hội là hãy cùng nhau lan tỏa sự tôn trọng những khác biệt, tinh thần bình đẳng, sự sẻ chia và tình yêu thương để không ai bị bỏ lại phía sau,” bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục