Xung đột Yemen "rất có thể" phải giải quyết bằng biện pháp quân sự

Tổng thống Yemen Abd Rabbuh Mansour Hadi đã tuyên bố rằng cuộc xung đột tại nước này "rất có thể" phải được giải quyết bằng biện pháp quân sự, chứ không phải chính trị.
Xung đột Yemen "rất có thể" phải giải quyết bằng biện pháp quân sự ảnh 1Tổng thống Yemen Abdu-Rabbu Mansour Hadi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Truyền thông khu vực ngày 24/9 đưa tin Tổng thống Yemen Abd Rabbuh Mansour Hadi đã tuyên bố rằng cuộc xung đột tại nước này "rất có thể" phải được giải quyết bằng biện pháp quân sự, chứ không phải chính trị.

Ông Hadi đưa ra phát biểu trên khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình nhà nước al-Arabiya của Saudi Arabia bên lề kỳ họp thứ 72 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York.

Tổng thống Hadi cho biết kế hoạch chuyển giao quyền kiểm soát cảng biển Hudaydah chủ chốt của nước này cho một bên trung gian vẫn bị phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh ngăn cản, trong khi các lực lượng này tiếp tục được Iran hậu thuẫn.

Theo ông Hadi, trong bối cảnh này, giải pháp quân sự là một lựa chọn khả thi hơn đối với cuộc khủng hoảng Yemen. Tuy nhiên, ông Hadi khẳng định chính phủ của ông sẽ tiếp tục "chìa tay" cho hòa bình bởi đây là trách nhiệm của chính quyền đối với người dân Yemen.

Lực lượng Houthi vẫn còn cơ hội tham gia tiến trình chính trị nếu chấp nhận giao nộp vũ khí và lập ra một bên trung gian nhằm giúp thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc.

[Phiến quân Houthi phóng tên lửa vào căn cứ không quân của Saudi Arabia]

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi Houthi và các lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Ali Abdullah Saleh kiểm soát phần lớn lãnh thổ, trong đó có thủ đô Sanaa.

Tháng 3/2015, liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Hadi. Các vòng đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ giữa các bên đối địch tại Yemen đều không thể giúp chấm dứt xung đột tại nước này.

Chiến tranh và xung đột kéo dài hơn 2 năm qua tại Yemen đã khiến khoảng 12.000 người thiệt mạng, gần 40.000 người bị thương và 2/3 dân số nước này cần cứu trợ nhân đạo.

Kể từ tháng Tư vừa qua, Yemen cũng đang đối mặt với dịch tả được coi là tồi tệ nhất thế giới với khoảng 5.000 ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tới nay đã có hơn 686.700 ca nhiễm tả và 20.90 trường hợp tử vọng được ghi nhân kể từ tháng Tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục