Xung quanh việc Mỹ công nhận Cao nguyên Golan là lãnh thổ Israel

Với các khía cạnh về ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, sự công nhận của Mỹ về chủ quyền của Israel với Cao nguyên Golan có thể mang lại tính hợp pháp cho chính sách thôn tính gây tranh cãi của Israel.
Xung quanh việc Mỹ công nhận Cao nguyên Golan là lãnh thổ Israel ảnh 1Binh sỹ Israel tham gia huấn luyện trên vùng đất chiếm đóng của Cao nguyên Golan tháng 8/2018. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo bài viết trên trang mạng Chanel Newsasia, dưới sức ép của chính phủ Israel, ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh, trong đó nói rằng Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.

Sự công nhận của Mỹ làm thay đổi cục diện tại vùng lãnh thổ có giá trị về mặt chiến lược đang bị tranh chấp quyết liệt giữa Israel và Syria.

Động thái này vấp phải những phản ứng khác nhau, như vui mừng, phản đối và thờ ơ, từ các bên trong cuộc xung đột Arab-Israel - tương tự như những phản ứng với động thái trước đây của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Cuộc chiến Arab-Israel

Israel đã chiếm giữ 5 vùng lãnh thổ từ 3 quốc gia trong cuộc chiến tranh năm 1967, bao gồm Dải Gaza và Bán đảo Sinai của Ai Cập, Đông Jerusalem và Bờ Tây của Jordan và Cao nguyên Golan của Syria.

Trước hành động trên của Israel, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua cái gọi là nghị quyết “đất đổi lấy hòa bình," hay Nghị quyết 242, trong đó đề cập khả năng Israel đổi những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng lấy hòa bình và sự công nhận từ các quốc gia Arab xung quanh.

Tất cả thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó có Mỹ, đã thông qua nghị quyết này.

Trước cuộc chiến tranh năm 1967, có khoảng 150.000 người Syria sống ở Cao nguyên Golan, nhưng nhiều người đã phải di dời vì cuộc xung đột.

Ngày nay, khu vực lãnh thổ này là nơi sinh sống của khoảng 25.000 người Arab Druze, những người tự xem mình là công dân Syria và khoảng 20.000 người định cư Do Thái tự nhận là người Israel.

Kết thúc chiến tranh, không bên nào trong cuộc xung đột chịu đưa ra nhượng bộ trước. Các quốc gia Arab từ chối đàm phán chừng nào Israel rút ra khỏi các vùng chiếm đóng, trong khi đó Israel chỉ đồng ý rút khỏi các vùng chiếm đóng khi mà các quốc gia Arab đàm phán một thỏa thuận hòa bình. Chính vì vậy, Israel tiếp tục chiếm đóng 5 vùng lãnh thổ và xây dựng các khu định cư ngay sau khi cuộc chiến tranh kết thúc.

Năm 1973, Ai Cập và Syria đã phát động một cuộc chiến chống lại Israel, tiến vào Bán đảo Sinai và Cao nguyên Golan nhằm chiếm lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Mỹ, Israel vẫn giữ được quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ này.

Vào cuối cuộc xung đột, Mỹ làm trung gian đàm phán giữa Israel, Ai Cập và Syria trong nỗ lực giải quyết các tranh chấp lãnh thổ đang tiếp diễn. Sau đó, Ai Cập lấy lại Sinai để đổi lấy hoà bình với Israel sau khi ký kết Hiệp ước hòa bình Ai Cập-Israel theo Thỏa thuận Trại David.

[Mỹ sẽ phá vỡ các quy tắc cũ trong kế hoạch hòa bình Trung Đông]

Tuy nhiên, 4 vùng lãnh thổ còn lại, bao gồm Cao nguyên Golan, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Israel. Năm 1981, chính phủ Israel tuyên bố sáp nhập Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan, vĩnh viễn mở rộng đường biên giới bao trùm cả hai khu vực chiếm đóng này.

Phản ứng trước hành động trên của Israel, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 497, trong đó lên án việc sáp nhập lãnh thổ Syria, tuyên bố đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.

Israel và Syria đã tham gia nhiều vòng đàm phán về Cao nguyên Golan, bao gồm cả các cuộc đàm phán bí mật gần đây như hồi năm 2010 mà có thể dẫn đến việc Israel rút toàn bộ binh sĩ khỏi đây. Tuy nhiên, cuộc nội chiến Syria bắt đầu xảy ra hồi năm 2011 đã làm gián đoạn các cuộc đàm phán. Syria tiếp tục yêu cầu Israel trả lại Cao nguyên Golan và cho tới nay không một quốc gia nào công nhận tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Israel đối với cao nguyên này.

Cao nguyên Golan - tài sản chiến lược

Toàn bộ khu vực Cao nguyên Golan dài khoảng 65km từ Bắc tới Nam với độ cao chiến lược nhìn ra Syria và Thung lũng Jordan. Khu vực này có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự đối với cả Syria và Israel, và Israel cũng coi khu vực lãnh thổ này là một “vùng đệm” có thể giúp để tự vệ.

Ngoài giá trị về mặt quân sự, Cao nguyên Golan còn là một tài sản chiến lược với nguồn tài nguyên nước và đất đai màu mỡ. Khu vực này có lưu vực thoát nước sông Jordan, hồ Tiberias, sông Yarmuk và tầng ngậm nước ngầm. Israel khai thác 1/3 nước từ Cao nguyên Golan. Ở một khu vực tương đối khô hạn trên thế giới, việc kiểm soát nguồn cung cấp nước Golan là điều vô cùng có ý nghĩa.

Cao nguyên Golan cũng có thể chứa tài nguyên dầu. Khoan thăm dò cho thấy trữ lượng dầu ở khu vực này có thể lên tới hàng tỷ thùng.

Những toan tính chính trị

Tổng thống Trump rất được yêu thích ở Israel, đặc biệt là sau khi ông công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và di dời đại sứ quán Mỹ tới đó từ Tel Aviv. Thủ tướng Benjamin Netanyahu còn sử dụng các bức ảnh của Tổng thống Trump trên các bức áp phích trong chiến dịch tái tranh cử của ông để tận dụng lợi thế này.

Trên thực tế, một số nhà phân tích cũng như giới báo chí cho rằng thời điểm Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố này có sự toan tính về mặt chính trị nhằm giúp tăng sự ủng hộ của người dân đối với ông ông Netanyahu trong cuộc bầu cử ở Israel sẽ diễn ra ngày 9/4 tới.

[Tuyên bố của Mỹ về Cao nguyên Golan: Toan tính và hệ lụy]

Theo tác giả bài viết, quyết định của Tổng thống Trump công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan sẽ gặp phải những khó khăn tương tự như khi Mỹ thay đổi chính sách đối với Jerusalem vì 2 lý do.

Đầu tiên, nó đảo ngược hàng thập kỷ chính sách nhất quán của Mỹ, yêu cầu bất kỳ sự công nhận lãnh thổ nào phải là kết quả của các cuộc đàm phán trực tiếp, thay vì tuyên bố đơn phương.

Thứ hai, nó đi ngược lại luật pháp quốc tế, vốn không công nhận chủ quyền của Israel đối với các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967.

Chắc chắn rằng động thái này của Tổng thống Trump là một cử chỉ mang tính biểu trưng hơn là hợp pháp. Nhưng với các khía cạnh về ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, sự công nhận của Mỹ có thể mang lại tính hợp pháp cho chính sách thôn tính gây tranh cãi của Israel.

Tác giả bài viết cho rằng cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với các vấn đề gây tranh cãi trong cuộc xung đột giữa Arab và Israel sẽ tiếp tục làm suy yếu tuyên bố của Mỹ là một nhà hòa giải trung thực và khiến khả năng hòa bình ở Trung Đông ngày càng trở nên mờ nhạt hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục