1.000 đại biểu trong và ngoài nước dự Hội nghị nhãn khoa 2014

Hội nghị là diễn đàn khoa học để các cán bộ nhãn khoa trao đổi, chia sẻ và công bố các công trình nghiên cứu nhãn khoa mới nhất được ứng dụng thành công thời gian qua.
1.000 đại biểu trong và ngoài nước dự Hội nghị nhãn khoa 2014 ảnh 1Quang cảnh Hội nghị nhãn khoa 2014. (Nguồn: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 30/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Hội nghị Nhãn khoa toàn quốc năm 2014 chính thức khai mạc với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu là các bác sỹ nhãn khoa, phẫu thuật viên, kỹ thuật viên trên toàn quốc và một số chuyên gia đến từ các nước Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Đức, Singapore, Ấn Độ…

Đây là sự kiện thường niên do Hội Nhãn khoa Việt Nam và Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với một số đơn vị trong ngành mắt tổ chức nhằm đánh giá, tổng kết và rút ra những kinh nghiệm trong công tác phòng, chống mù lòa tại Việt Nam.

Hội nghị cũng là diễn đàn khoa học để các cán bộ nhãn khoa trao đổi, chia sẻ và công bố các công trình nghiên cứu nhãn khoa mới nhất được ứng dụng thành công trong thời gian qua.

Sau lễ khai mạc, các đại biểu đã dự phiên toàn thể về phòng chống mù lòa.

Hơn 10 báo cáo tham luận đã đề cập đến các vấn đề trọng tâm của phòng chống mù lòa và mục tiêu thị giác của năm 2020; trong đó, tập trung vào một số vấn đề quan trọng như đẩy mạnh hoạt động phẫu thuật đục thủy tinh thể tại cộng đồng; hạ thấp tỷ lệ khúc xạ; phòng tránh chấn thương mắt; hạn chế biến chứng bệnh đái tháo đường.

Các đại biểu cũng thảo luận, trao đổi về công tác nghiên cứu và phát triển khoa học kỹ thuật trong nhãn khoa. Các đề tài nghiên cứu chuyên sâu của các chuyên gia nhãn khoa trong nước và quốc tế trình bày tại hội nghị đã đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng trong nhãn khoa hiện nay, đó là thủy tinh thể và phẫu thuật khúc xạ; chấn thương mắt và di chứng; bệnh kết giác mạc; khối u và tạo hình trong nhãn khoa; thần kinh nhãn khoa và các vấn đề khác…

Theo thống kê của Hội Nhãn khoa Việt Nam, tỷ lệ mù lòa ở Việt Nam hiện nay là 3,1%; trong đó có hơn 409.000 người bị mù hai mắt có độ tuổi trên 50; mù do bệnh đục thủy tinh thể chiếm tới hơn 66%, còn lại là do tật khúc xạ, bệnh mắt hột...

Bên cạnh đó, ước tính cả nước có khoảng 3 triệu trẻ em mắc tật khúc xạ cần đeo kính và 15-40% dân số mắc tật này.

Ngoài ra, số người mắc bệnh glocôm và người mắc bệnh do đái tháo đường… cũng đang tăng lên và là thách thức mới để ngành mắt có kế hoạch can thiệp trong những năm tới.


Về công tác điều trị các bệnh về mắt, năm 2013, các bệnh viện trong cả nước đã phẫu thuật cho gần 200.000 người mắc bệnh đục thủy tinh thể và người mắc bệnh quặm mắt; khám và phẫu thuật cho hơn 43.000 người mắc bệnh glocôm…

Thời gian tới, ngành nhãn khoa đặt ra mục tiêu hạ tỷ lệ mù lòa ở người trên 50 tuổi xuống 2,35% vào năm 2019, nhằm đạt được mục tiêu “Thị giác 2020;'' kiểm soát được bệnh đục thủy tinh thể, thanh toán được quặm do bệnh mắt hột gây mù; thành lập 8-9 trung tâm chăm sóc mắt trẻ em, phối hợp với ngành nội tiết khám sàng lọc bệnh nhân đái tháo đường…

Hội nghị diễn ra đến ngày 1/11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục