Airbus: Đối thủ cạnh tranh đáng gờm trên bầu trời

Airbus: Đối thủ cạnh tranh đáng gờm của tất cả trên bầu trời

Trong những năm qua Airbus luôn là đối thủ cạnh tranh đáng gờm trên bầu trời của Boeing và các công ty sản xuất máy bay khác trên thế giới.
Airbus: Đối thủ cạnh tranh đáng gờm của tất cả trên bầu trời ảnh 1Hãng hàng không Airbus. (Nguồn: filtonjournal)

Trong những năm qua Airbus luôn là đối thủ cạnh tranh đáng gờm trên bầu trời của Boeing và các công ty sản xuất máy bay khác trên thế giới. Mặc dù "sinh sau đẻ muộn" hơn công ty Boeing của Mỹ rất nhiều, nhưng hãng sản xuất máy bay của châu Âu này với những định hướng phát triển đúng và sự sáng tạo đột phá về công nghệ đã sớm có được thị trường riêng và khẳng định được thương hiệu trong lĩnh vực hàng không quốc tế.

Lấy cạnh tranh làm mục tiêu phát triển

Đến nhà máy lắp ráp máy bay của Airbus tại thành phố Toulouse ở miền Nam nước Pháp, mặc dù đã tìm hiểu từ trước, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi khâm phục về những công nghệ hiện đại trong sản xuất và lắp ráp máy bay ở khu vực được coi là có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới.

Hầu hết các quy trình đã được tự động hóa, máy móc đã giúp rất nhiều cho con người ở lĩnh vực sản xuất đòi hỏi độ chính xác ở mức cao nhất, hoàn hảo nhất. Cả một khu nhà xưởng rộng hàng nghìn m2 nhưng chỉ có một số lượng nhỏ kỹ sư có tay nghề cao làm việc và sự chuyên nghiệp đã đạt đến chuẩn mực để những ngành sản xuất khác phải học tập.

Ông Alan Pardoe, trưởng bộ phận truyền thông của Airbus cho biết: hiện cứ 2 phút trên thế giới lại có một chiếc máy bay Airbus cất hoặc hạ cánh. Để phát triển như ngày hôm nay, Airbus luôn xác định lấy cạnh tranh làm mục tiêu để phát triển. Do vậy, trong suốt những năm qua, công ty sản xuất máy bay của châu Âu này luôn ứng dụng những công nghệ, vật liệu mới để sản xuất ra những dòng máy bay tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường và đặc biệt tạo sự thoải mái nhất cho hành khách cùng hiệu quả hàng không.

 

Hiện nay Airbus là nhà sản xuất máy bay thương mại hàng đầu cung cấp các dòng máy bay chở khách hiện đại và hiệu quả nhất trên thị trường. Airbus là hãng đi đầu về sáng tạo công nghệ và đưa ra một số mô hình tiết kiệm nhiên liệu máy bay và yên tĩnh vào loại nhất trên thế giới.

Trong năm 2013, Airbus đã đạt doanh thu 42 tỷ euro. Airbus có 72.000 nhân công, trong đó 55.000 người tại công ty mẹ Airbus và 17.000 người tại các công ty con. Mặc dù trụ sở chính đóng tại Toulouse ( Pháp) , nhưng Airbus được biết đến một cách đầy đủ là một doanh nghiệp có tính toàn cầu với các công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và tại Trung Đông, và các trung tâm sản xuất bộ phận, phụ tùng ở Hamburg, Franfurt, Washington, Bắc Kinh, Dubai và Singapore.

Airbus cũng có các trung tâm đào tạo tại Toulouse, Miami, Hamburg, Bangalore và Bắc Kinh, và hơn 150 văn phòng đại diện trên toàn thế giới. Airbus cũng có các mối quan hệ hợp tác công nghiệp và quan hệ đối tác với các công ty hàng đầu trên toàn thế giới, và một mạng lưới khoảng 7.700 các nhà cung cấp thiết bị phụ tùng trên toàn thế giới. Là một hãng tiên phong trong ngành công nghiệp, Airbus phấn đấu để trở thành một doanh nghiệp thực sự hiệu quả về mặt sinh thái.

Airbus cũng là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới đã nhận được chứng chỉ ISO 14001 về môi trường tại tất cả các địa điểm sản xuất và toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm. Airbus vẫn nỗ lực đảm bảo rằng vận tải hàng không tiếp tục là một phương tiện giao thông vận tải có hiệu suất sinh thái cao , mang lại giá trị kinh tế trong khi giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường.

Kể từ khi Airbus trở thành đối thủ đáng gờm của Boeing từ năm 1974, Airbus đã bán được 15.559 chiếc máy bay tính đến thời điểm hiện tại. Chiếc máy bay đầu tiên của Airbus, A300 đã được sản xuất và bán ra trong suốt 34 năm, chiếc đầu tiên xuất xưởng năm 1974, cho đến đời cuối cùng là vào năm 2007. Nhu cầu mua máy bay A320 ở mức cao, với 5.755 đặt hàng từ 1988 đến hiện tại. Tiếp theo là cầu về những đời máy khác của A330 mà vẫn còn đang được sản xuất với 1.106 chiếc đã được bàn giao, bên cạnh chiếc A340 và 377.

Airbus: Đối thủ cạnh tranh đáng gờm của tất cả trên bầu trời ảnh 2Máy bay Airbus A350.

Tạo đột phá từ Airbus A350

Sau khi cho ra đời loại máy bay chở khách rộng nhất - Airbus A380 hơn một thập kỷ trước đã tạo ra cơn chấn động cho ngành hàng không quốc tế, Airbus hy vọng sẽ tạo ra được đột phá mới khi cho ra đời loại máy bay Airbus A350.

Ông Mike Bausor, Giám đốc tiếp thị Dự án máy bay A350 của công ty Airbus cho biết: A350 XWB mang trong mình rất nhiều công nghệ mới tạo ra sự khác biệt cho sự thoải mái của hành khách và hiệu quả hàng không. Chương trình sản xuất A350 được đổi mới và mang nhiều tham vọng, hướng tới một mẫu máy bay hoàn thiện để đưa vào phục vụ, và chúng tôi sẽ cung cấp sản phẩm cho khách hàng đầu tiên là Hãng hàng không Qatar Airways vào cuối năm 2014.

Đội 5 chiếc máy bay thử nghiệm của chúng tôi đã hoàn thành chiến dịch nhận chứng chỉ, đúng thời hạn, với chi phí hợp lý và đạt chất lượng. Hoàn thành hơn 2600 giờ bay thử nghiệm, chúng tôi đã tạo dựng và nhận thành công một trong những chương trình thử nghiệm hiệu quả nhất của ngành công nghiệp hàng không, chưa từng được phát triển đối với các máy bay phản lực.”

Ngày 30/9, thế hệ máy bay thương mại A350 đã được Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) cấp chứng chỉ. Máy bay A350 nhận chứng chỉ của EASA sau khi hoàn tất một chương trình với các thử nghiệm nghiêm ngặt, trong đó cấu trúc và hệ thống của máy bay đã chịu đựng được những thử nghiệm vượt giới hạn thiết kế để bảo đảm rằng tất cả các tiêu chuẩn bay đều được đáp ứng.

 

Chiếc A350 đã chịu thử nghiệm bay ở môi trường khí hậu và độ ẩm được thiết lập từ 45 độ C đến âm 40 độ C trong hơn 2 tuần tại phòng thí nghiệm McKinley Climatic Laboratory, trong căn cứ không quân Eglin của Không lực Mỹ ở Florida, nhằm hoàn thiện và xác minh khả năng hoạt động trước khi giao hàng vào cuối năm nay. Nhiều hệ thống khác nhau của A350 XWB - từ phương tiện giải trí trên máy bay, điều hòa không khí, hệ thống bếp, nước và chất thải - đều được kiểm nhận trong phòng thí nghiệm, cũng như kiểm tra hoạt động của động cơ.

Theo ông Alan Pardoe, trưởng bộ phận truyền thông của Airbus, máy bay A350 được nhiều người đặt cho biệt danh là “máy bay yên tĩnh” sẽ hứa hẹn mang tính cách mạng cho ngành du lịch hàng không. Ngoài 53% khung máy bay A350 chế tạo từ loại nhựa gia cường sợi carbon (CFRP) siêu nhẹ, so với 50% của đối thủ trực tiếp là Boeing 787, điểm vượt trội chủ yếu chính là chiều rộng của máy bay.

Theo giám đốc tiếp thị A350, ông Mike Bausor: “Chúng tôi gọi là XWB vì nó rộng hơn đáng kể so với A330. Khung carbon tổng hợp của A350 còn cho phép Airbus thiết kế các cửa sổ lớn hơn. Ngoài ra, máy bay A350 có cabin rộng hơn khoảng 13 cm so với Boeing 787 Dreamliner. Tuy nghe có vẻ không khác biệt gì lớn, nhưng với hàng ghế 9 chiếc ở hạng phổ thông, việc thêm được 1 cm mỗi chỗ ngồi cũng sẽ làm nên một sự khác biệt lớn.”

Được chế tạo hướng tới khách hàng, A350 đặt ra những tiêu chuẩn mới về trải nghiệm của hành khách, hiệu quả hoạt động và tiết kiệm chi phí. Trong đó, A350-800 có 276 chỗ ngồi, A350-900 và A350-1000 lần lượt là 315 và 369 ghế. Với một mẫu máy bay có ba cỡ, các hãng hàng không có thể bổ sung A350 vào đội bay để đáp ứng nhu cầu thực tế, tối đa hóa doanh thu tiềm năng. Phi công có thể điều khiển cả ba phiên bản với cùng một chứng chỉ, do vậy sẽ tối đa hóa lợi ích của các hãng hàng không.

Đặc biệt, loại máy bay mới A350 sở hữu công nghệ mới nhất về khí động lực, thiết kế để mang lại hiệu quả sử dụng nhiên liệu cao hơn tới 25% so với Boeing 777 và hơn 6% so với Boeing 787.

Hơn 70% cấu trúc khung của A350 được làm từ vật liệu tổng hợp gồm composite (53%), hợp kim nhôm và titan. Thân máy bay bằng sợi các bon cường lực hoàn toàn mới vừa giúp tiết kiệm nhiên liệu, vừa dễ bảo trì. A350 XWB được thừa hưởng từ kinh nghiệm của của Airbus trong việc phối hợp các vật liệu tổng hợp cho một chiếc máy bay. Các hệ thống vững chắc của chiếc máy bay cũng giúp giảm chi phí bảo dưỡng. Sự đồng bộ của động cơ, các hệ thống và các thành phần khác của A350 XWB thậm chí còn giúp giảm nhiều chi phí hoạt động.

Tính đến cuối tháng 5/2014, Airbus đã nhận đặt 750 chiếc A350 XWB từ 39 khách hàng trên khắp thế giới. Riêng Vietnam Airlines từ nay đến năm 2020 đã đặt hàng 10 chiếc và thay thế những máy bay Airbur thế hệ cũ.

Đến đầu tháng 10/2014, tại nhà máy lắp ráp máy bay Airbus ở thành phố Toulouse (Pháp), quy trình lắp ráp hoàn chỉnh chiếc A350-900 XWB đầu tiên dành cho Vietnam Airlines đã chính thức bắt đầu. Hiện nay, chiếc máy bay mới chỉ có phần thân, nhưng đã ghi rõ “Vietnam Airlines” và dự kiến sẽ được bàn giao vào giữa năm 2015.

Theo kế hoạch, trong năm 2015, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ nhận bàn giao 4 chiếc máy bay A350 và trở thành Hãng hàng không đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á sử dụng loại máy bay thương mại thân rộng tiết kiệm nhiên liệu hoàn toàn mới này.

Đây được coi như một bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển của Vietnam Airlines để nâng cao chất lượng vận tải, dịch vụ hàng không nhằm tiếp tục tăng cường khả năng cạnh tranh và hội nhập sâu hơn vào thị trường hàng không quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục