Bệnh tay chân miệng: Quan trọng là phòng tránh

Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, dịch bệnh tay chân miệng còn dự báo sẽ “nóng” đến hết tháng 11/2011.
Dịch bệnh tay chân miệng kéo dài dai dẳng từ đầu năm và căng thẳng từ tháng 6/2011. Đến nay, số bệnh nhân tay chân miệng và số ca tử vong tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước vẫn tăng. Dịch còn dự báo sẽ “nóng” đến hết tháng 11/2011.

Đến nay Bộ Y tế cũng như những tỉnh, thành có số bệnh nhân tăng bất thường vẫn chưa công bố dịch. Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn tiến sỹ Trần Thanh Dương-Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng xung quanh vấn đề này.

- Hiện nay, dịch bệnh tay chân miệng đang lan rộng. Mặc dù Bộ Y tế đã có các biện pháp chỉ đạo để phòng chống dịch, nhưng xin tiến sỹ cho biết tại sao số ca mắc và tử vong vẫn tăng đều đều 2.000 ca mỗi tuần trong thời gian gần đây mà chưa có dấu hiệu giảm?

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Thanh Dương: Bệnh tay chân miệng đã lưu hành từ nhiều năm tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Tây Thái Bình Dương từ năm 1997.

Trong khoảng thời gian đó đến nay, các nước vẫn ghi nhận các đợt bùng phát bệnh tay chân miệng với số ca mắc lên đến hàng trăm nghìn trong một năm, riêng Trung Quốc, số mắc hàng năm ghi nhận từ 1,2 đến 1,5 triệu ca bệnh. Tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore số ca mắc liên tục ghi nhận ở mức cao trong nhiều năm.

Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành bệnh tay chân miệng, với điều kiện giao lưu thuận lợi giữa các nước trong khu vực thì bệnh tay chân miệng xâm nhập và gia tăng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trong những năm qua chúng ta đã triển khai các biện pháp tích cực nhằm hạn chế sự bùng phát bệnh tay chân miệng.

- Xin ông cho biết tình hình dịch bệnh tay chân miệng hiện nay có ở mức cao?

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Thanh Dương: Tại Việt Nam, số trường hợp mắc có xu hướng tăng nhanh từ tuần thứ 20 (cuối tháng Năm) đến tuần thứ 26 (đầu tháng Bảy). Từ tuần thứ 26 đến nay (tuần thứ 42), số ca bệnh tay chân miệng theo tuần tiếp tục ở mức cao song đã thấp hơn nhiều so với giai đoạn 7 tuần trước đó.

Tích lũy từ đầu năm đến ngày 20/10/2011, trên toàn quốc đã ghi nhận 76.121 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 địa phương; trong đó đã có 135 trường hợp tử vong tại 26 tỉnh, thành phố.

Theo kết quả điều tra của một số địa phương, số trường hợp mắc chủ yếu rải rác ở các hộ gia đình từ 85-95% tổng số trường hợp mắc, không bùng phát thành các ổ dịch lớn trong cộng đồng. Trong đó số trẻ từ 1-3 tuổi chiếm 90% số trường hợp mắc.

- Liệu có phải các biện pháp tích cực phòng chống dịch thời gian qua chưa hiệu quả?

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Thanh Dương: Trong điều kiện giao thông đi lại hiện nay thuận tiện, mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, nên việc gia tăng số ca mắc là điều không thể tránh khỏi.

Việc số ca mắc tăng chậm lại trong những tuần gần đây phản ảnh các biện pháp phòng, chống dịch của các địa phương và của các hộ gia đình tại cộng đồng đã bắt đầu có hiệu quả.

- Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng cần công bố dịch tay chân miệng khi dịch đã lan rộng ra 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Thanh Dương: Theo Quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh tay chân miệng nằm trong nhóm B, thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố công bố dịch. Việc công bố dịch đã được quy định rõ tại Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Điều này cũng phù hợp với quy định của Điều lệ Y tế quốc tế 2005 về việc khai báo các tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Việc công bố dịch cần phải thực hiện đúng thẩm quyền và cân nhắc các điều kiện kinh tế, xã hội và năng lực của từng địa phương.

Vấn đề mấu chốt là các biện pháp phòng, chống và kiểm soát bệnh phải triển khai quyết liệt ngay từ khi phát hiện các ca bệnh đầu tiên, chứ không phải chờ đến khi công bố dịch mới thực hiện.

Thực tế trong thời gian qua, dự báo diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng, thực hiện Công điện số 1439/CĐ-TTg ngày 18/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đã trực tiếp chỉ đạo và cấp kinh phí bổ sung cho các hoạt động phòng, chống dịch.

Ngành y tế các địa phương đã xử lý quyết liệt các ổ dịch nhỏ không để xảy ra các ổ dịch lớn, kéo dài; đã phân công các bệnh viện, cán bộ thường trực tại các bệnh viện thu dung, điều trị kịp thời tất cả các ca bệnh nhằm giảm thiểu số trường hợp tử vong.

- Số ca tử vong vẫn liên tục tăng qua các tuần. Vậy theo ông dịch tay chân miệng có cần “báo động đỏ” và cần động viên các địa phương có số lượng người mắc cao như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Ngãi… công bố dịch hay không?

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Thanh Dương: Trong điều kiện không có vắc-xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu, Bộ Y tế đã xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm trọng điều trị bệnh tay chân miệng sửa đổi, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng đồng thời thường xuyên chỉ đạo các bệnh viện tổ chức rút kinh nghiệm trong điều trị và các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới nhằm giảm thiểu nguy cơ tử vong.

Kết quả nhiều tỉnh, thành phố có số tử vong lớn đã giảm hẳn số tử vong trong những tháng gần đây, nhiều ca bệnh nặng đã được cứu sống.

Tỉnh Quảng Ngãi lúc đầu nằm trong số các tỉnh có số ca tử vong cao, tuy nhiên 4 tháng gần đây đã không ghi nhận thêm trường hợp tử vong nào. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện tại các địa phương thực hiện đúng các hướng dẫn điều trị đã ban hành, hạn chế chuyển tuyến, nếu cần, sẵn sàng huy động các bác sỹ có tay nghề cao từ tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới trong điều trị.

- Theo ông, tác nhân gây bệnh tay chân miệng có biến đổi hay không?

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Thanh Dương: Ca bệnh tay chân miệng đầu tiên ở Việt Nam được ghi nhận từ năm 2003, từ đó đến nay, số trường hợp mắc rải rác tại một số tỉnh trong cả nước, tuy nhiên tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam và miền Trung.

Nghiên cứu của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy chủng virus EV71 (một chủng độc lực cao gây bệnh tay chân miệng) đã xuất hiện nhiều trong số trẻ mắc tay chân miệng từ năm 2005. Bộ Y tế đã và đang giám sát chặt chẽ tác nhân gây bệnh tay chân miệng và hiện chưa phát hiện có dấu hiệu bất thường của virus gây bệnh.

- Bộ Y tế đưa ra cảnh báo rằng đỉnh dịch tay chân miệng sẽ tập trung từ tháng 9 đến tháng 11. Vậy để đối phó với đỉnh dịch, Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng có giải pháp chỉ đạo nào quyết liệt hơn?

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Thanh Dương: Qua theo dõi từ các năm trước, số mắc tay chân miệng thường tăng cao vào các tháng 9-11. Trong năm 2011, nhận thức số ca mắc tăng cao sớm hơn, ngay từ đầu năm, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương triển khai sớm các biện pháp phòng bệnh, kết quả đã làm chậm lại sự phát triển của bệnh tay chân miệng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai các đoàn công tác đi kiểm tra việc thực hiện tại các địa phương.

Việc thực hành chăm sóc trẻ đúng cách là chìa khóa trong việc khống chế và kiểm soát bệnh tay chân miệng, do đó Bộ Y tế sẽ tăng cường triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông thay đổi hành vi đối với người dân, tập trung vào các hộ gia đình có con nhỏ.

Tuy nhiên, do mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, các yếu tố nguy cơ mắc bệnh cho trẻ em là rất lớn. Do đó chúng ta cần phải quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Mỗi gia đình phải thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho con mình nhất là các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi để giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc tránh được các biến chứng nặng./.

Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục