Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á tăng trưởng ổn định

ADB đánh giá các nước đang phát triển ở châu Á tăng trưởng ổn định và khu vực này sẽ tiếp tục là nơi tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu.
Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á tăng trưởng ổn định ảnh 1Kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn là động lực lớn cho sự gia tăng mạnh mẽ của kinh tế châu Á. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong báo cáo "Triển vọng Phát triển châu Á 2014" vừa công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá triển vọng tăng trưởng của các nước đang phát triển ở châu Á vẫn giữ ở mức ổn định và khu vực này sẽ tiếp tục là nơi có nhịp độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu.

Theo ADB, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm 2014 và 6,4% trong năm 2015, sau khi tăng trưởng 6,1% trong năm 2013.

Chủ tịch ADB Takehiko Nakao nhận định các quốc gia đang phát triển ở châu Á vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng kinh tế, bất chấp đà phục hồi chậm hơn dự kiến của các nước công nghiệp phát triển và nhu cầu bên ngoài “ì ạch”.

Báo cáo của ADB đánh giá các biện pháp ổn định đầu tư đã giúp Trung Quốc đảm bảo đà tăng trưởng cho nền kinh tế, với mức tăng GDP dự kiến là 7,5% trong năm 2014 và 7,4% trong năm 2015.

Đối với Ấn Độ, báo cáo cho rằng chính phủ mới tại New Delhi sẽ theo đuổi các chương trình cải cách để "khai phá" những tiềm năng lớn của quốc gia đông dân hàng đầu thế giới này. ADB dự kiến kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2014 và 6,3% trong năm 2015, khi các biện pháp cải cách bắt đầu phát huy tác dụng.

Về kinh tế các nước Đông Nam Á, báo cáo của ADB nhấn mạnh Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của những quốc gia khu vực sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong năm tới, sau khi GDP dự kiến đạt nhịp độ tăng trưởng 4,6% trong năm nay, thấp hơn mức tăng 5% của năm ngoái.

Thông cáo báo chí của Ngân hàng Phát triển châu Á cho hay thiết chế tài chính lớn nhất khu vực này vừa phê duyệt một chương trình cho Indonesia vay 400 triệu USD nhằm giúp đất nước vạn đảo cải thiện môi trường đầu tư để tăng cường thu hút đầu tư ở trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lâu dài, bền vững và phát triển an sinh xã hội.

Giám đốc quản lý kinh tế công ADB, ông Rabin Hattari cho rằng Indonesia cần đẩy nhanh cải cách cơ cấu để chuyển đổi từ một nền kinh tế định hướng hàng hóa sang một nền kinh tế dựa trên các nền tảng đa dạng hơn.

Để thực hiện được điều này, Indonesia cần thu hút các khoản đầu tư cần thiết vào nhiều lĩnh vực khác nhau, đòi hỏi một môi trường đầu tư được cải thiện, thông thoáng và hấp dẫn, cơ sở hạ tầng đầy đủ và quản trị tốt hơn để có thể tạo nhiều việc làm hiệu quả hơn và góp phần xóa đói giảm nghèo.

Chương trình cũng sẽ ủng hộ các sáng kiến của chính phủ về mở rộng lựa chọn cấp vốn cho chính quyền các cấp trong phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện hơn nữa khuôn khổ quan hệ đối tác công-tư (PPP) để thu hút đầu tư tư nhân nhiều hơn vào các dự án cơ sở hạ tầng.

Giai đoạn hai sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình này thông qua các kế hoạch cải cách nhằm thúc đẩy PPP đầu tư vào các lĩnh vực xã hội. Cùng với ADB, Ngân hàng Phát triển KfW Bankengruppe của Đức cũng hỗ trợ vốn vay 200 triệu USD cho chương trình kéo dài trong 4 năm, dự kiến kết thúc vào tháng 9/2016.

Nhận định về Cộng đồng Kinh tế Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), báo cáo của ADB cho rằng tiến trình đàm phán để thành lập “Cộng đồng Kinh tế ASEAN” (AEC) đang bước vào giai đoạn khó khăn, khiến cho kế hoạch “ra mắt” AEC vào cuối năm 2015 của Hiệp hội các nước Đông Nam Á chưa chắc sẽ thành hiện thực.

Để trở thành một cộng đồng thống nhất, các quốc gia thành viên ASEAN cần thực hiện cải cách, bao gồm dỡ bỏ rào cản thương mại, thúc đẩy trao đổi hàng hóa và hài hòa hóa các tiêu chuẩn, luật lệ quy định, nhằm tạo ra một thị trường đơn nhất, nền tảng sản xuất chung có tính cạnh tranh cao, đồng thời tăng cường sự gắn bó giữa các nước thành viên trong tổ chức.

Tuy đạt được những tiến bộ nhưng các cuộc đàm phán liên quan đến cải cách đang vấp phải nhiều khó khăn và thách thức cần phải vượt qua. Những khó khăn đó liên quan đến vấn đề loại bỏ hàng rào phi thuế quan, tự do hóa thương mại dịch vụ, cải thiện môi trường kinh doanh, chính sách cạnh tranh, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Theo báo cáo trên, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan là những nước đạt được những kết quả đáng chú ý trong cắt giảm thuế quan, tạo thuận lợi cho thương mại và tự do hóa đầu tư. Trong khi các thành viên mới là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam lại đang tụt ở phía sau.

Theo đánh giá của ASEAN, tính đến tháng 3/2013, ASEAN mới chỉ đạt được 76,5% mục tiêu về AEC đặt ra trước đó, chưa kể đến những mục tiêu mới được bổ sung thực hiện trong giai đoạn từ tháng 4/2013 đến tháng 12/2015 (ngoài 15 nhiệm vụ hoàn tất trước). Điều đó cho thấy rằng tiến độ cải cách dường như đang chậm lại chứ không phải tăng tốc.

Tin tức nói rằng khó khăn đối với AEC không chỉ dừng ở việc đạt được mục tiêu vào cuối năm 2015, mà thử thách thật sự nằm ở những năm sau đó khi AEC chính thức đi vào hoạt động. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để thực thi các hiệp định về AEC trong bối cảnh việc này đòi hỏi những thay đổi về luật quốc gia hay thậm chí là Hiến pháp tại mỗi nước thành viên.

Mặc dù vậy, giai đoạn sắp tới chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho AEC khi ASEAN và ba nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) vừa nhất trí hợp tác trong chương trình tiếp cận và thúc đẩy các sản phẩm nông, lâm nghiệp giai đoạn 2015-2019, góp phần hỗ trợ thực thi lộ trình xây dựng của AEC (giai đoạn 2009-2015) và những năm sau đó.

ASEAN hy vọng việc thành lập AEC, gồm 10 nước thành viên, với dân số là 620 triệu người và GDP 2.200 tỷ USD, sẽ góp phần thúc đẩy sự trao đổi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư cũng như đội ngũ lao động lành nghề giữa các quốc gia thành viên.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục