Các ngân hàng lớn Nhật Bản bắt đầu nối lại hợp tác với Iran

Ba ngân hàng lớn của Nhật đã bắt đầu nối lại hợp tác với Iran sau khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với nước cộng hòa Hồi giáo được dỡ bỏ.
Các ngân hàng lớn Nhật Bản bắt đầu nối lại hợp tác với Iran ảnh 1Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ. (Nguồn: Zawya)

Ngày 12/5, Hãng tin bán chính thức Fars dẫn lời một chuyên gia kinh tế Iran cho biết ba ngân hàng lớn của Nhật đã bắt đầu nối lại hợp tác với Iran sau khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với nước cộng hòa Hồi giáo được dỡ bỏ. 

Chuyên viên cao cấp của Học viện Ngân hàng Phát triển ​châu Á (ADBI) Farhad Taqizadeh Hesari cho biết ba ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU), Sumitomo Mitsui và Mizuho đã khởi động lại giao dịch với các ngân hàng Iran.

Ngoài ra, nhiều dấu hiệu khác bao gồm gói tín dụng trị giá 10 tỷ USD giữa hai nước, tăng trưởng 130% nhập khẩu của Nhật Bản đối với các sản phẩm dầu mỏ của Iran và ký kết một thỏa thuận hỗ trợ đầu tư và thương mại song phương, cũng cho thấy quan hệ ngân hàng giữa Iran và Nhật Bản đã trở lại bình thường.

Theo ông Hesari, rủi ro trong giao dịch tài chính giữa Iran và Nhật Bản đã giảm sau khi hai nước có thể thiết lập các giao dịch ngân hàng dựa trên đồng Yên của Nhật Bản.

Việc thúc đẩy các giao dịch ngân hàng giữa Iran với Nhật Bản cũng là động lực giúp tăng cường hoạt động trao đổi thương mại song phương. 

BTMU, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản xử lý hầu hết các khoản thanh toán dầu của Iran trước khi có lệnh trừng phạt vào giữa năm 2012, thông báo vào đầu năm 2016 rằng họ đã nối lại các giao dịch với các ngân hàng Iran, bao gồm cả việc thanh toán dầu thô Iran mua bởi các nhà máy tinh chế của Nhật Bản.

Các biện pháp trừng phạt  đối với Iran trong lĩnh vực ngân hàng đã được dỡ bỏ theo Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức), còn được gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), đã được ký kết ngày 14/7/2015 sau hơn 10 năm đàm phán khó khăn.

Việc bãi bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế sau khi Iran được quốc tế xác nhận tuân thủ các cam kết đưa ra trong JCPOA là một bước ngoặt đặc biệt quan trọng, đem lại cơ hội để quốc gia Hồi giáo này thúc đẩy toàn diện nền kinh tế, nhất là khôi phục và thúc đẩy các hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu khí.

Ngoài ra, các lĩnh vực phi dầu mỏ như hàng không, dịch vụ và khai khoáng cũng được thúc đẩy giúp kinh tế Iran có được đà tăng trưởng tốt trong hai năm gần đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục