Đã đến lúc khuyến khích đầu tư vào các trại dưỡng lão

Chăm sóc sức khỏe người già là vấn đề rất được quan tâm khi Việt Nam trong thời kỳ già hóa dân số nhưng hệ thống y tế cho người cao tuổi vừa thiếu và yếu.
Đã đến lúc khuyến khích đầu tư vào các trại dưỡng lão ảnh 1Nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho người già ở vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: TTXVN)

Chăm sóc sức khỏe cho người già hiện là vấn đề rất được quan tâm khi Việt Nam đang trong thời kỳ già hóa dân số, trong khi đó hệ thống y tế cho người cao tuổi vừa thiếu và yếu.

Vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức Tháng hành động quốc gia về dân số (tháng 12) với chủ đề "Già hóa dân số - Những thách thức trong chăm sóc người cao tuổi.”

Nhân ngày dân số Việt Nam (26/12), phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) về vấn đề này.

- Dân số Việt Nam đã đạt ngưỡng 90 triệu người. Với ngưỡng dân số trên đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 14 trong số các nước đông dân trên thế giới. Ông có thể cho biết những thành tựu mà ngành dân số đã đạt được trong những năm qua?

Ông Dương Quốc Trọng: Dân số Việt Nam tròn 90 triệu người vào ngày 1/11/2013 đã đánh dấu sự thành công của công tác dân số. Năm 1989, các nhà khoa học dự báo đến năm 2010, dự kiến dân số Việt Nam khoảng 105 triệu dân, như vậy mốc 90 triệu người phải xuất hiện vào năm 2002 nhưng đến năm 2013 mới xuất hiện.

Như vậy, chúng ta đã kiềm chế được tốc độ gia tăng dân số chậm lại 11 năm so với dự báo. Nếu so với dự báo trước đó thì dân số Việt Nam hiện nay là 111 triệu người, trong 20 năm qua chúng ta đã tránh sinh được gần 21 triệu người.

- Có nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh thành công đó thì công tác dân số hiện nay cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?

Ông Dương Quốc Trọng:Bên cạnh những thành công, công tác dân số cũng đặt ra nhiều thách thức mới. Nếu trước kia tỷ lệ mỗi phụ nữ sinh tới 6,4 con, thì nay chỉ sinh khoảng 2 con. Vì vậy số lượng, tỷ lệ trẻ em giảm nhiều so với trước đây. Trước kia 2 người lớn có 1 trẻ em, nhưng nay hơn 4 người lớn mới có 1 trẻ em.

Từ năm 2007, Việt Nam bước vào giai đoạn dân số vàng, nhưng đồng thời chúng ta cũng bước vào giai đoạn già hóa dân số sớm hơn so với dự báo nên cũng gặp rất nhiều khó khăn cho công tác chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Một thách thức nữa, đó là tình trạng mất cân bằng giới tính, do việc lựa chọn giới tính khi sinh theo ý muốn của nhiều người. Vì vậy, từ năm 2006 Việt Nam bước vào giai đoạn mất cân bằng giới tính khi sinh. Từ đó đến nay, tỷ số giới tính khi sinh gia tăng cả về tỷ số và địa bàn.

Hiện nay, tại 45 tỉnh, thành phố có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đây là một thách thức lớn về cơ cấu dân số.

Mặt khác chất lượng dân số Việt Nam hiện còn thấp so với các nước trong khu vực và trên trên giới. Do đó trong giai đoạn tới việc nâng cao chất lượng dân số, thích ứng với những biến đổi mau lẹ của cơ cấu dân số là vấn đề quan trọng.

- Như Cục trưởng vừa nói, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số quá nhanh?

Ông Dương Quốc Trọng: Năm 2013 chúng tôi thấy tình trạng già hóa dân số diễn ra quá nhanh, đến sớm hơn so với dự báo. Vì vậy, nếu không có tiếng chuông cảnh báo thì Việt Nam sẽ bị lỡ nhịp không tận dụng được các lợi thế của giai đoạn già hóa dân số.

Năm 2009 sau Tổng điều tra dân số, các nhà khoa học đã dự báo đến năm 2017 mới bước vào giai đoạn già hóa dân số, nhưng chỉ sau 2 năm (đến 2011), tất cả mọi dự báo đã lạc hậu. Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số sớm hơn, đặc biệt là giai đoạn từ già hóa dân số sang dân số già diễn ra nhanh hơn so với các quốc gia khác.

Các nhà khoa học cảnh báo Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Do đó chúng ta cần có những thay đổi về cơ cấu kinh tế, ngành nghề, chăm sóc cho người cao tuổi.

- Thưa ông, việc dân số già hóa nhanh, trong khi chúng ta xuất phát điểm là nước nông nghiệp, điều đó có đáng lo ngại?

Ông Dương Quốc Trọng: Việc dân số Việt Nam già hóa nhanh đang tạo ra nhiều vấn đề rất đáng lo ngại, cần có giải pháp đúng. Bởi hiện nay 70% dân số ở nông thôn, cũng đồng nghĩa 70% người cao tuổi sống ở nông thôn, phần lớn họ không có lương hưu.

Đây là thách thức lớn về kinh tế, họ phải bươn chải để sống, phải trông cậy vào con trai nên cố tình phải sinh con trai. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần có sự thay đổi các chính sách để thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, với tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh chóng về số lượng.

Đã đến lúc khuyến khích đầu tư vào các trại dưỡng lão ảnh 2 Ông Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

- Ông đánh giá như thế nào về hệ thống y tế dành cho công tác chăm sóc sức khỏe cho người già hiện nay?

Ông Dương Quốc Trọng: Hiện có nhiều bất cập trong hệ thống khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Đơn cử như việc, trên toàn quốc hiện nay chính thức mới chỉ có một bệnh viện lão khoa. Về công tác đào tạo thì hiện mới có 1 khoa lão của trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh còn trường Đại học Y Hà Nội chưa có khoa lão, mới có phân môn lão khoa.

Vì vậy, vấn đề khó nhất hiện nay của ngành y tế là làm sao đào tạo được đội ngũ cán bộ, y tá, điều dưỡng viên có đủ năng lực về chuyên mô chăm sóc người cao tuổi.

Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ Y tế đã có chủ trương xây dựng 3 trung tâm lớn về lão khoa ở Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí và đặt ra mục tiêu các bệnh viện đa khoa tỉnh đều phải có khoa lão. Tuy nhiên, do thiếu nhân lực nên trên 20 bệnh viện tuyến tỉnh đã thành lập khoa lão nhưng thực chất là khoa nội chuyển thành khoa lão.

- Là người đứng đầu ngành dân số, xin ông cho biết để nắm bắt được những thời cơ của giai đoạn già hóa dân số, Việt Nam cần có những chính sách như thế nào cho hợp lý?

Ông Dương Quốc Trọng: Theo tôi, hiện nay Việt Nam cần có 2 nhóm giải pháp lớn đối với người cao tuổi. Thứ nhất đó là việc phát huy vai trò của người cao tuổi và thứ hai là chăm sóc người cao tuổi.

Tôi được biết Chính phủ đang giao cho Bộ Y tế cũng như Bộ Lao động thương binh xã hội rà soát sửa đổi những chính sách về dân số, chăm sóc sức khỏe, chính sách an sinh xã hội để thích ứng với giai đoạn già hóa dân số.

Hiện, theo quy định của Bộ Luật Lao động, nam giới đến 60 tuổi nghỉ hưu, nữ giới đến 55 tuổi nghỉ hưu, trong khi số tuổi kỳ vọng sống của người già có thể đến 81 tuổi. Như vậy, sau khi nghỉ hưu, nam giới còn sống trung bình tới 21 năm, nữ giới là 26-27 năm – thời gian đó rất dài, rất nhiều người còn có sức khỏe, trí tuệ, có thể đóng góp cho xã hội.

Do đó, cấn có chính sách phát huy vai trò của người cao tuổi, nhất là những người trong độ tuổi từ 60-75 tuổi, tạo thêm nhiều cơ hội để họ đóng góp có ích cho xã hội.

Về chăm sóc sức khỏe, chúng ta cần thiết lập hệ thống chăm sóc tại nhà, tại cộng đồng, tại cơ sở dưỡng lão, tại khám chữa bệnh. Hiện nay, tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam ở mức khoảng 10% dân số nhưng đã chiếm 50% tiền thuốc của đất nước.

Vì vậy, Chính phủ đã giao cho ngành y tế cần có những rà soát, để sớm đề xuất kịp thời điều chỉnh, thích ứng với giai đoạn già hóa dân số.

Theo tôi, chúng ta cần lưu ý một giải pháp nữa là trong thời gian tới, các ngành các cấp cần cởi mở, tháo gỡ các chính sách để khuyến khích nhiều nhà đầu tư vào các trại dưỡng lão để thích ứng cho phù hợp nhằm nâng cao hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người già.

Xin chân thành cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục