Đưa vào 25 máy lọc thận tại Bệnh viện Cần Thơ

Khoa Hồi sức tích cực và chống độc của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa đưa vào hoạt động 25 máy lọc thận nhân tạo.
Ngày 9/5, bác sỹ Đặng Quang Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương thành phố Cần Thơ cho biết khoa Hồi sức tích cực và chống độc của bệnh viện vừa đưa vào hoạt động 25 máy lọc thận nhân tạo phục vụ nhu cầu điều trị bệnh của người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Toàn bộ 25 máy lọc thận nhân tạo được đầu tư theo dự án Hỗ trợ y tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo đó, trong tương lai, bệnh nhân không còn phải tốn công sức, thời gian lên Thành phố Hồ Chí Minh để chạy thận nhân tạo.

Trước kia, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ chỉ có bốn máy lọc thận nhân tạo, đáp ứng điều trị khoảng 20% nhu cầu bệnh nhân, trong khi đó số lượng bệnh nhân trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu chạy thận rất lớn.

Với việc đưa vào hoạt động 25 máy lọc thận nhân tạo, ước tính trung bình một ngày bệnh viện tiến hành điều trị lọc thận cho 75 bệnh nhân.

Về chuyên môn chạy thận, bệnh viện đã được các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) huấn luyện nghiệp vụ và kỹ thuật. Hiện bệnh viện đã có bốn bác sỹ chuyên về thận nhân tạo và 12 điều dưỡng để tham gia điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Yên, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, các bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường ở giai đoạn cuối, biến chứng khi mắc các bệnh như đái tháo đường (tuýp 2), bệnh bạch cầu, sỏi thận, thận đa nang…

Hiện tại, mỗi ca lọc thận nhân tạo, bệnh nhân phải trả tổng chi phí là 400.000 đồng. Trung bình, mỗi tháng một bệnh nhân phải tiến hành lọc thận nhân tạo tổng cộng 12 lần với chi phí là 4,8 triệu đồng.

Với chi phí này, bệnh nhân sẽ tiết kiệm được rất nhiều so với các khoản chi trả khi phải lên Thành phố Hồ Chí Minh chạy thận. Riêng đối với bệnh nhân có thẻ Bảo hiểm y tế thì do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán.

Để nâng cao điều trị suy thận cho bệnh nhân trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian tới Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ sẽ thành lập khoa Thận - Thận nhân tạo để đáp ứng nhu cầu khám, điều trị cho người dân.

Sau khi Khoa Thận - Thận nhân tạo được thành lập, phía bệnh viện sẽ thực hiện điều trị suy thận mạn bằng phương pháp lọc màng bụng tại nhà. Với phương pháp này, bệnh nhân sau khi được các bác sỹ hướng dẫn lọc màng bụng, bệnh nhân không cần nhập viện điều trị mà tự điều trị trực tiếp ngay tại nhà.

Lọc máu bằng phương pháp này, người bệnh mỗi tháng chỉ phải đến bệnh viện một lần để kiểm tra và lấy dịch.

Do vậy, phương pháp này sẽ giảm đáng kể tình trạng quá tải ở bệnh viện, cũng như chi phí nằm viện, sinh hoạt, chăm nom bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân ở tỉnh xa./.

Thanh Sang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục