Đưa vào luật hình sự, đa cấp bất chính sẽ không dám lừa đảo

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đoàn Quảng Bình, hoạt động bán hàng đa cấp bất chính đã gây tổn hại đến kinh tế của đất nước do vậy cần đưa loại tội phạm này vào xử lý hình sự.
Đưa vào luật hình sự, đa cấp bất chính sẽ không dám lừa đảo ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Hàng nghìn người trở thành nạn nhân của hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép trong thời gian qua. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình), việc kiến nghị bổ sung loại tội phạm này vào luật hình sự sẽ tránh những "biến tướng" gây lũng loạn thị trường.

Bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, diễn ra sáng nay (24/5), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã có một số trao đổi với phóng viên về việc kiểm soát hoạt động kinh doanh đa cấp.


- Thưa ông, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất đưa tội danh kinh doanh đa cấp trái phép vào xử lý hình sự, vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Thực tế, trong thời gian qua, hoạt động bán hàng đa cấp bất chính đã gây tổn hại đến kinh tế của đất nước khiến nhiều hộ gia đình tán gia, bại sản vì những biến tướng của hoạt động này.

Trong khi đó, cũng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức khi hình thành chỉ nhằm mục đích thu tiền của người khác rồi bỏ trốn và rất khó tìm ra doanh nghiệp, do vậy đây cũng là loại tội phạm hết sức nguy hiểm. Chính vì vậy, việc bổ sung hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính vào xử lý hình sự là hợp lý.

- Qua vụ việc của Thiên Ngọc Minh Uy khiến nhiều người tham gia mạng lưới bị tổn hại nhiều, vậy theo ông cần có những hình thức bổ sung nào giúp cơ quan thực thi pháp luật quản lý tốt hơn về kinh doanh đa cấp?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Việc quy định trong luật cần phải hết sức chặt chẽ, cụ thể là cần quy định các tội danh từ khi bắt đầu nhen nhóm, có dấu hiệu kinh doanh trái phép đến khi gây hậu quả để từ đó có biện pháp điều chỉnh và phòng ngừa vi phạm ​đó.

​Hơn nữa, trong luật cần ​giải thích dấu hiệu của đa cấp trong từ ngữ như thế nào, sau đó mới đưa vào điều luật ​nhằm điều chỉnh những trường hợp cụ thể? Ví dụ, cần quy định khung pháp lý từ mức độ thấp nhất đến cao nhất của tội kinh doanh đa cấp lừa đảo để xử lý đúng người đúng tội.

Đưa vào luật hình sự, đa cấp bất chính sẽ không dám lừa đảo ảnh 2Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đoàn Quảng Bình trả lời bên lề Quốc hội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trái phép khi bị rút giấy phép lại nhanh chóng biến hình thành doanh nghiệp đa cấp khác, vậy theo ông có cách nào để xử lý hiệu quả?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Việc này cũng cần phải có quy định trong luật. Ví dụ trong luật có quy định là vi phạm hay tái phạm, nếu doanh nghiệp đã bị rút giấy phép nếu tiếp tục thành lập công ty đa cấp khác thì đây là hành vi tái phạm và cần phải đưa vào trong luật để điều chỉnh.

Do vậy, vấn đề này phía Ban soạn thảo luật cần rà soát chặt chẽ và từ tìm hiểu thực tế để đưa ra các hình thức xử lý nghiêm túc qua đó mới đủ sức răn đe và ngăn chặn được vi phạm xảy ra trong thời gian tới.

- Để tìm ra lỗ hổng trong kinh doanh đa cấp không khó, thời gian qua nhiều doanh nghiệp bị rút giấy phép lại hình thành doanh nghiệp mới, vậy có phải do cơ quan chức năng bao che không?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Có nhiều nguyên nhân, có cả trách nhiệm xã hội hoặc cả pháp luật chưa có quy định điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp nên khung hình phạt chưa có, thậm chí chưa đến mức truy tố hình sự nên doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, khi kinh doanh chỗ này lại chạy sang kinh doanh chỗ khác. Thực tế này cần cũng cần được quy định rõ trong luật.

- Sẽ có những biến chuyển gì lớn khi tội kinh doanh đa cấp trái phép được đưa vào Luật hình sự?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Khi luật hình sự đưa ra quy định điều chỉnh về bán hàng đa cấp thì chắc chắn xã hội sẽ có những thay đổi. Một là những người chuyên bán hàng đa cấp chắc chắn không dám "thò đầu" ra để lừa đảo, kinh doanh bất chính. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp nào tham vì lợi nhuận sẽ có pháp luật điều chỉnh và ngăn chặn được mức độ nguy hiểm cho xã hội.

- Vẫn có nhiều ý kiến về mức độ xử phạt với hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép, vậy theo ông khung xử lý cao nhất nên đưa vào luật cần theo hướng nào?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Theo tôi nên có 2 khung hình phạt, từ 1-5 năm và từ 5-10 năm và tùy theo mức độ, với những người tham gia mạng lưới mà vi phạm có thể áp dụng khung từ 1-5 năm, còn người tổ chức đứng đầu có thể áp khung hình phạt từ 5-10 năm.

- Vậy có thể hy vọng khi tội kinh doanh đa cấp trái phép được đưa vào Luật hình sự thì không còn những doanh nghiệp như Thiên Ngọc Minh Uy, Liên Kết Việt gây lũng loạn thị trường như thời gian vừa qua, thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Chắc chắn là như ​vậy.


- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục