Hà Nội dùng biện pháp “mạnh” trong cấp chứng nhận sử dụng đất

Với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong thời gian tới, Hà Nội quyết tâm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận năm 2014.
Hà Nội dùng biện pháp “mạnh” trong cấp chứng nhận sử dụng đất ảnh 1Đất nông nghiệp tại Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Lâm/TTXVN)

Liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận), chiều 1/7, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết Luật Đất đai mới được áp dụng từ 1/7 chắc chắn sẽ “cởi mở” hơn với các quy định rõ ràng, cụ thể, đặc biệt trong việc giải quyết, xử lý vi phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các tổ chức; đồng thời cũng tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc và tồn tại kéo dài qua thực tiễn triển khai tại Hà Nội.

Việc Luật bổ sung quy định về các trường hợp đăng ký lần đầu, đăng ký biến động, quy định đăng ký đất đai trên mạng điện tử sẽ góp phần tích cực vào tiến trình cải cách hành chính, khắc phục tình trạng sách nhiễu, phiền hà khi người dân trực tiếp đăng ký.

Ông Nghĩa cam kết với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong thời gian tới, Hà Nội quyết tâm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận năm 2014, trong đó, tập trung cấp 40.000 giấy chứng nhận cho người mua nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn thành phố có 223 dự án đã được giao đất với 216.580 căn (chung cư và thấp tầng), trong đó có 112.150 căn đã xây dựng xong, bàn giao cho người mua nhà.

Tuy nhiên, trong số này mới có 36.110 căn được Sở hướng dẫn thủ tục và triển khai cấp giấy chứng nhận, còn lại 76.040 căn chủ đầu tư chưa làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận theo quy định; 104.430 căn đang trong quá trình xây dựng.

Về tiến độ thực hiện năm 2014, tính đến ngày 20/6, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội mới tiếp nhận được 12.188 hồ sơ và hiện đã giải quyết, chuyển các quận huyện cấp giấy chứng nhận được 9.701 hồ sơ, đạt 24% kế hoạch.

Lý giải tỷ lệ cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân mua nhà dự án đạt thấp, ông Nghĩa cho rằng, lỗi chính thuộc về các chủ đầu tư dự án. Không những không có tinh thần trách nhiệm cao trong việc thực hiện chỉ đạo của thành phố về cấp giấy chứng nhận cho khách hàng, có những dự án, chủ đầu tư rất chậm trễ, thậm chí gây khó khăn cho người mua nhà trong việc hoàn thiện hồ sơ như không thanh lý hợp đồng, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính của người mua nhà.

Một số chủ đầu tư không phối hợp trong việc cung cấp hồ sơ pháp lý của dự án; tiến độ thực hiện dự án chậm, một số dự án dừng thi công, tiến độ bàn giao nhà không đúng thời gian dự kiến.

Với hàng loạt những vi phạm trên của chủ đầu tư, nếu theo quy định của luật thì cơ quan chức năng không thể cấp giấy chứng nhận được và điều này đồng nghĩa với quyền lợi của người dân không được đảm bảo, gây bức xúc dư luận, ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, thực hiện Văn bản 327/TB-VPCP ngày 22/8/2013 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội và Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay tất cả các trường hợp người dân mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở nếu hoàn thành nghĩa vụ tài chính được chủ động liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để đăng ký cấp giấy chứng nhận, không chờ đợi, phụ thuộc vào chủ đầu tư.

Còn đối với chủ đầu tư vi phạm, các cơ quan chức năng sẽ rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã yêu cầu các chủ đầu tư cùng với việc khẩn trương nộp hồ sơ pháp lý của dự án, bổ sung hồ sơ còn thiếu, đồng thời phải tập trung nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án.

Trường hợp chủ đầu tư không hợp tác, gây phiền nhiễu trong công tác cấp giấy chứng nhận, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội sẽ lập danh sách cụ thể, báo cáo Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố xử lý theo quy định.

Ông Nghĩa cũng khẳng định, Sở sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những cá nhân, đơn vị chưa thực thi đúng nhiệm vụ, nhất là tình trạng “om” hồ sơ, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân.

Nếu cán bộ công chức nào của Sở sau 5 ngày không kiểm tra đến hồ sơ để thông báo bổ sung các giấy tờ còn thiếu, Sở kiên quyết chuyển công tác và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục