Nga phản đối báo cáo Mỹ về không phổ biến vũ khí

Ngày 29/7, Nga khẳng định báo cáo của Mỹ về thực hiện cam kết  kiểm soát, không phổ biến vũ khí là không có lợi cho quan hệ 2 nước.
Ngày 29/7, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về thực hiện các hiệp định và cam kết trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và giải trừ quân bị giai đoạn từ 1/1/2004 đến 31/12/2008 là hành động không có lợi cho quan hệ đối tác giữa hai nước.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ báo cáo công bố ngày 28/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận Nga vi phạm các cam kết quốc tế trong thời kỳ nói trên mà không đưa ra bằng chứng nào để chứng minh cho kết luận đó.

Bộ Ngoại giao Nga một lần nữa khẳng định Mátxcơva đã kịp thời thực thi tất cả những biện pháp cần thiết để nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết quốc tế của mình.

Nga nhấn mạnh báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đi ngược lại tinh thần mới trong quan hệ đối tác và xây dựng lòng tin giữa Nga và Mỹ, đồng thời không góp phần đạt được mục tiêu chung trong lĩnh vực không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt mà cả hai nước đều nhất trí ủng hộ.

Tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra sau khi Mỹ công bố Báo cáo Tuân thủ của Bộ Ngoại giao nước này, nêu lên những nghi ngại về việc Nga tuân thủ những thỏa thuận quốc tế về vũ khí sinh học và hóa học.

Báo cáo trên cho rằng mặc dù Nga nhìn chung đã tuân thủ các điều khoản của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) trước đó, hết hiệu lực tháng 12/2009, song vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cố gắng xóa bỏ những nghi ngờ của các nghị sĩ Cộng hòa về START mới mà Mỹ ký với Nga.

Phát biểu cùng ngày tại phiên điều trần của Thượng viện Mỹ về START mới, bà Rose Gottemoeller, chuyên gia kiểm soát vũ khí hạt nhân của Mỹ, khẳng định không tồn tại các thỏa thuận bí mật hay hệ thống phòng thủ tên lửa cũng như bất kỳ vấn đề nào khác liên quan đến văn kiện này.

Bà Gottemoeller, đồng thời là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách về kiểm chứng, tuân thủ và thực hiện hiệp ước, nêu rõ văn kiện này chứa đựng các bước đi "kiểm chứng rộng rãi."

Tại phiên điều trần, Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain cho rằng có những đoạn chỉ dẫn tham khảo rắc rối và khó hiểu trong phần đầu và nội dung của hiệp ước. Theo ông, START mới đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về các biện pháp kiểm chứng.

START mới do Tổng thống Mỹ và Nga ký ngày 8/4 vừa qua nhằm thay thế START- 1. Theo văn kiện mới, số đầu đạn hạt nhân của mỗi bên sẽ giảm hơn 30% so với Hiệp ước cắt giảm tiềm lực tấn công chiến lược ký tại Mátxcơva, Nga đầu năm 2002, từ 2.200 xuống còn 1.550 đầu đạn.

START mới có hiệu lực 10 năm kể từ ngày Quốc hội hai nước phê chuẩn và có thể gia hạn mỗi lần năm năm. Chính quyền Obama hy vọng hiệp ước mới này sẽ được thông qua trong năm nay. Tuy nhiên, để được phê chuẩn tại Thượng viện Mỹ, START mới cần nhận được 67/100 phiếu ủng hộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục