Nữ bác sỹ đem y học cổ truyền phổ biến rộng trong cộng đồng

“Làm người thầy thuốc phải có nội lực sâu sắc, nội lực đó là có cái đầu tri thức và trái tim nhân từ,” bác sỹ Lê Thị Dung, tỉnh Bến Tre chia sẻ.
Nữ bác sỹ đem y học cổ truyền phổ biến rộng trong cộng đồng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Làm người thầy thuốc phải có nội lực sâu sắc, nội lực đó là có cái đầu tri thức và trái tim nhân từ,” bác sỹ Lê Thị Dung, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trần Văn An, tỉnh Bến Tre chia sẻ.

Với tâm niệm như thế, bác sỹ Lê Thị Dung đã có nhiều cống hiến cho ngành y học dân tộc tỉnh Bến Tre và là thầy thuốc đầu tiên của tỉnh được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân.

Bác sỹ Lê Thị Dung sinh năm 1960, quê ở xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri, trong một gia đình đông anh em. Cha và các anh lớn của chị đều theo cách mạng. Năm 12 tuổi, chị Dung đã biết làm nhiều việc như cấy mướn, chăn vịt, lợn, gà…

Khi được hỏi về quá trình học tập, chị cười cho biết: “Xuất phát điểm là con nhà nghèo mà, lại gặp thời điểm chiến tranh ác liệt, đường học vấn lắm gian truân. Ngày nào cũng vậy, cứ chiều xuống khoảng 6 giờ, tôi và anh trai cầm theo chiếc đèn chai với ít cơm nguội rang xuống trảng xê tránh bom đạn. Dưới ánh đèn leo lét, hai anh em ngồi học bài, đói thì nhai cơm rang rồi uống nước".

Tốt nghiệp lớp 12, chị Lê Thị Dung thi đậu vào Trường Kỹ thuật Y tế Trung ương 3 (Thành phố Hồ Chí Minh) và theo học ngành y học dân tộc - một ngành còn khá lạ lẫm lúc bấy giờ.

Bác sỹ Dung cho biết: “Sự khởi đầu hướng cho tôi lòng khao khát muốn tìm hiểu những tinh hoa của nền y dược cổ truyền là từ 30 thang thuốc nam của thầy Ba Chương đã cứu sống má tôi qua cơn bệnh hiểm nghèo kéo dài hơn 2 năm. Và hơn 20 thang thuốc nam miễn phí của bà Bảy Long, cháu nội cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu đã trị được bệnh phụ nữ và một số bệnh khác.”

Lớp của chị Dung là khóa học đầu tiên về y học dân tộc của Trường. Vì thế, chị Dung đã cố gắng học hỏi và trao dồi thêm kinh nghiệm từ lý thuyết đến thực hành tại bệnh viện, học cây thuốc núi, khám chữa bệnh miễn phí tại các chùa, đi thực tế trong cộng đồng…

Mơ ước của Lê Thị Dung là mang y học cổ truyền phổ biến trong cộng đồng để người dân tự chữa trị những bệnh thông thường bằng cây thuốc, cây rau quanh nhà; biết tập dưỡng sinh, xoa bóp, bấm huyệt phòng ngừa bệnh; chỉ cách chăm sóc những bệnh mãn tính cho thân nhân người bệnh...

Ba năm trôi qua, tốt nghiệp, Lê Thị Dung được Trường Trung học Quân y II (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận về giảng dạy nhưng chị nghĩ quê mình còn nghèo, có nhiều người bệnh ở quê đang cần mình hơn. Thế là chị chọn quê hương làm nơi khởi nghiệp, đó là Trường Trung học Y tế Bến Tre.

Từ đây, một buổi chị nhận công tác tại Khoa Đông y Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, hướng dẫn học sinh thực tập; buổi còn lại chị giảng dạy, soạn giáo án... Trong 4 năm đầu, chị tiến bộ rất nhanh, nhưng so với nhu cầu thì cần phải có trình độ cao hơn. Mơ ước trở thành bác sĩ đã trở thành hiện thực khi chị trúng tuyển vào Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ năm 1989, chị Dung về công tác tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trần Văn An cho đến nay. Bác sĩ Lê Thị Dung thổ lộ điều khiến chị quan tâm nhất từ khi trở thành Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trần Văn An là đào tạo đội ngũ nhân viên có tay nghề. Vì thế, chị đưa người đi đào tạo liên tục, lĩnh vực y học cổ truyền bây giờ cần phải được đầu tư kiến thức. Con người là nhân tố quyết định, phải giỏi nghề mới trị hết bệnh cho bệnh nhân được.

Đến năm 2015, Bệnh viện sẽ có thêm 18 bác sĩ y học cổ truyền tốt nghiệp. Đây là chuyện không phải một sớm một chiều mà có được. Việc đào tạo nhân lực cần nhiều thời gian và tâm huyết của mọi người, vì người đi học nhiều thì người ở nhà phải gồng gánh cật lực hơn.

Bên cạnh đó, biết được bệnh viện nào có phương pháp chữa trị hay, chị Dung cũng cử người đến đó học theo Đề án 1816 của Bộ Y tế. Sự chia sẻ kiến thức giữa các bác sĩ được đào tạo từ các trường y khoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế đã bổ sung kiến thức cho đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện lên rất nhiều.

Là một bác sỹ điều trị, chị Dung rất tâm đắc với việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Theo chị, chính sự kết hợp này đã đem lại nhiều kết quả bất ngờ, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao, hiệu quả điều trị nâng lên rất rõ rệt. Để phát huy tính ưu việt này, tập thể đồng nghiệp và chị Dung đã xây dựng 35 quy trình khám chữa bệnh kết hợp Đông Tây y đưa vào sử dụng hàng ngày và bổ sung hàng năm, tạo được niềm tin và hiệu quả cho hàng ngàn người khỏi bệnh.

Chia sẻ dự định của mình, Thầy thuốc nhân dân Lê Thị Dung bộc bạch: “Tôi có hai hoài bão. Đó là hình thành và phát triển mô hình vừa điều dưỡng vừa điều trị cho người cao tuổi. Vì người cao tuổi hiện nay phần lớn cô đơn và đa bệnh lý, sống chung với nhiều bệnh đến cuối đời như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, khớp,… Thứ hai là phổ cập y học cổ truyền trong cộng đồng để mọi người dân tự biết cách phòng chữa bệnh thông thường và chăm sóc một số bệnh mãn tính thường gặp bằng các cây thuốc nam quanh nhà”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục