Sử dụng đòn bẩy của đầu tư công để tạo ra tốc độ tăng trưởng

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho rằng, các giải pháp ngắn hạn trong năm 2017 vẫn là sử dụng đòn bẩy của đầu tư công để tạo ra tốc độ tăng trưởng.
Sử dụng đòn bẩy của đầu tư công để tạo ra tốc độ tăng trưởng ảnh 1Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trả lời bên hành lang Quốc hội chiều 22/5. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Ngày 22/5, Chính phủ đã trình bày tại Quốc hội Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Bên hành lang Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chia sẻ về vấn đề này.

- Thưa Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, ông có nhận định gì về báo cáo của Chính phủ được trình bày tại Quốc hội sáng nay?

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Bản báo cáo của Chính phủ đã nhìn ra được thực chất của nền kinh tế, nhìn thẳng vào các vấn đề chúng ta gặp phải trong năm 2016 và cũng nêu bật những khó khăn của năm 2017.

Như chúng ta thấy, năm 2016, một yếu tố gây ảnh hưởng lớn nhất đến kinh tế vĩ mô là chỉ tiêu tăng trưởng GDP không đạt. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải hẳng thắn nhìn nhận rằng trong năm 2016, nhiều vấn đề về kinh tế xã hội không được giải quyêt một cách rốt ráo nên dẫn đến hệ lụy sang năm 2017.

Nếu liên kết các giải pháp ngắn hạn và dài hạn của Chính phủ đề ra trong báo cáo sẽ thấy nhóm các giải pháp để nâng cao hiệu quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào nguồn đầu tư công. Ba giải pháp đầu tiên trong đầu tư là sớm triển khai Dự án sân bay Long Thành, chống ngập, triển khai một phần đường cao tốc Bắc Nam.

[Toàn văn Báo cáo kinh tế-xã hội 2016 và những tháng đầu năm 2017]

Chúng ta cũng tính đến cả việc 6 tháng cuối năm 2017 Nhà máy luyện cán thép Hưng Nghiệp - Fomosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động để có thể đóng góp 0,16% vào GDP. Như vậy, các giải pháp ngắn hạn trong năm 2017 vẫn là sử dụng đòn bẩy của đầu tư công để tạo ra tốc độ tăng trưởng.

Như vậy, những vấn đề về doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả cạnh tranh của hàng Việt Nam thông qua các sản phẩm hoạt động của doanh nghiệp vẫn chưa phản ảnh đúng mong muốn của nền kinh tế cũng như của xã hội.

Chính vì thế ngay trong buổi chiều 22/5, Chính phủ đã trình ra dự thảo Nghị quyết nợ xấu và Dự thảo sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng để xin ý kiến thảo luận. Hy vọng bên cạnh giải pháp về đầu tư công sẽ có một hệ thống các tổ chức tín dụng lành mạnh, giải quyết được nợ xấu, qua đó hạ được lãi vay của nền kinh tế, làm cho giá vốn của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tương đương với các nước trong khu vực. Đó là sự hỗ trợ rất quan trọng, dài lâu cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp phát triển.

- Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cho thấy, sau 4 năm (từ 2012-2016), toàn hệ thống Tổ chức tín dụng đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Ông đánh giá thế nào về thành quả này?

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Con số 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý trong thời gian qua, trong đó 56% do các tổ chức tín dụng tự xử lý và 44% thông qua các hoạt động của Ngân hàng Nhà nước ở Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho thấy nhận định về thực trạng nền kinh tế Việt Nam vào năm 2012 là chuẩn xác.

Sau bốn năm, chúng ta đã làm được nhiều việc nhưng đến nay vẫn phải ban hành một Nghị quyết chuyên đề về xử lý nợ xấu thì phải thấy bối cảnh bốn năm trước là rất khó khăn.

Thành công lớn nhất của chúng ta là bên cạnh giữ cho các tổ chức tín dụng ổn định, không sụp đổ và vẫn bảo đảm chất lượng tăng trưởng của khối các tổ chức tín dụng. Đây chính là thành công lớn trong lĩnh vực ngân hàng.

Sử dụng đòn bẩy của đầu tư công để tạo ra tốc độ tăng trưởng ảnh 2Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

- Như Đại biểu nói thì dù làm được nhiều việc nhưng việc xử lý số nợ xấu còn lại là rất gian nan?

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Nếu không gian nan chúng ta không làm Nghị quyết. Vì giai đoạn tới, còn gian nan hơn 4 năm trước nên mới làm Nghị quyết, qua đó xây dựng cơ chế đặc thù để xử lý.

- Theo Đại biểu, liệu con số 6,7% tốc độ tăng trưởng GDP có đạt được hay không?

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Vấn đề đặt ra là chúng ta muốn nền kinh tế phát triển theo số lượng hay chất lượng?

Nếu đứng ở chất lượng tăng trưởng, trong bối cảnh hiện nay để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7% là không thể. Nhưng nếu ở góc độ số lượng, ta vẫn có biện pháp để đạt được con số này...

- Xin cảm ơn Đại biểu./.

Bên hành lang Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục