Thủ tướng Đức: Eurozone chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng

Bà Angela Merkel cho rằng châu Âu chưa hoàn toàn thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ, đồng thời kêu gọi Eurozone phải tiếp tục cải cách.
Thủ tướng Đức: Eurozone chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị “Động lực cho châu Âu: Đổi mới và Cạnh tranh” tổ chức ở Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi các nước Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục tiến hành cải cách nhằm đẩy mạnh đổi mới và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Tại Hội nghị do Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) tổ chức, Thủ tướng Merkel đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.

Song, bà nhấn mạnh việc đẩy mạnh tăng trưởng và kiến tạo việc làm không được ảnh hưởng tới việc củng cố ngân sách và tất cả các nước phải tôn trọng các quy định này.

Bà Merkel cũng cho rằng châu Âu chưa hoàn toàn thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ, và đó vẫn là "con đường dài" phía trước.

Nhà lãnh đạo Đức đặc biệt nhấn mạnh vai trò then chốt của đầu tư nhằm kích thích tăng trưởng ở châu Âu, trong đó Berlin sẵn sàng tham gia điều phối mạnh hơn nữa về mặt chính sách kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính liên bang Đức Wolfgang Schäuble trước đó cũng đã tuyên bố sẵn sàng bổ sung 10 tỷ euro cho kích thích đầu tư.

Về vấn đề Hy Lạp, Thủ tướng Merkel cho rằng Hy Lạp có cơ hội triển khai thành công chương trình cứu trợ, song nhiệm vụ trước mắt là Athens phải cụ thể hóa các mục tiêu và đề xuất cải cách để Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ủy ban châu Âu (EC) cùng thảo luận.

Bà bày tỏ mong muốn Hy Lạp sẽ có một "tương lai tốt đẹp trong vị thế là một thành viên Eurozone."

Trong khi đó, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cho rằng đang tồn tại lỗ hổng về đầu tư trong Liên minh châu Âu (EU) và trong toàn khối, mức đầu tư đã giảm 15% so với năm 2007.

Theo ông, đầu tư giảm không chỉ xảy ra với các nước chịu khủng hoảng, mà với cả các nước có nền kinh tế mạnh ở châu Âu như Đức.

Ông bày tỏ hy vọng sẽ kích thích được đầu tư với gói tín dụng và bảo hộ đầu tư trị giá 315 tỷ euro thông qua các kế hoạch của EC trong ba năm tới.

Việc thực hiện thành công kế hoạch này sẽ mang lại cho Tổng sản phẩm quốc nội của châu Âu 410 tỷ euro và tạo ra 1,3 triệu việc làm mới.

Ông cũng cho rằng cần thực hiện đồng thời thúc đẩy tăng trưởng, kiến tạo việc làm với củng cố ngân sách và cải cách cấu trúc.

Tại hội nghị, Chủ tịch EIB Werner Hoyer cho biết mỗi năm, EU tung vào đầu tư trên 500 tỷ euro, trong đó 130 tỷ euro dành cho nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, châu Âu vẫn tụt hậu ở nhiều lĩnh vực trong cuộc cạnh tranh với thế giới, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp mới hay kỹ thuật số hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục