Vụ "Bà lang Nùng chữa tự kỷ": Có thể gây thay đổi một cách thần kỳ?

Câu chuyện về một bà lang Nùng như một vị thiên sứ chữa được chứng tự kỷ ở trẻ bằng cạo gió, các bậc phụ huynh cần tỉnh táo để tránh tình trạng "tiền mất mà tật vẫn mang."
Vụ "Bà lang Nùng chữa tự kỷ": Có thể gây thay đổi một cách thần kỳ? ảnh 1Một giờ học của trẻ có chứng tự kỷ tại Trung tâm dạy trẻ tự kỷ Thiên Thần Nhỏ ở Ninh Bình. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

.

Những ngày gần đây, trên các trang mạng đang lan truyền bài viết về một bà lang Nùng chữa được chứng tự kỷ ở trẻ. Nhiều phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ bán tín bán nghi với cách chữa này, liệu có hiệu quả thực sự.

Thực hư vấn đề này ra sao? Thông tin đó đã thực sự đã chuẩn xác và đáng tin cậy hay chưa? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này.

"Thiên sứ xuống trần gian?"

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mai - Đại học Y Hà Nội, bày tỏ quan điểm: “Đọc bài viết về một bà lang Nùng chữa được chứng tự kỷ ở trẻ bằng cạo gió, chắc hẳn có rất nhiều bậc cha mẹ có con được chẩn đoán là rối loạn tự kỷ cảm giác như bà lang người Nùng này là vị thiên sứ được cử xuống trần gian để cứu giúp cho con trẻ của họ. Đơn giản quá mà đem lại hiệu quả vượt quá cả sức mong đợi của chúng ta...”

Theo tiến sỹ Mai, bởi lẽ, đúng như các nhà chuyên gia trên thế giới hiện nay phải qua rất nhiều các công trình nghiên cứu trong vài chục năm qua đã nhận định, rối loạn tự kỷ là chứng bệnh căn nguyên chưa xác định rõ ràng, do sự kết hợp của đa yếu tố và chưa có loại thuốc nào chữa trị khỏi hoàn toàn.

Kết luận đó dựa trên cơ sở các nghiên cứu chứng cứ khoa học do hàng nghìn chuyên gia ở các nước khoa học phát triển như Mỹ, Anh, Australia, Nhật bản... đã bỏ ra bao công sức, thời gian, chi phí nghiên cứu trên hàng nghìn trẻ tự kỷ mong tìm ra những bằng chứng cho khả năng chữa trị, can thiệp.

Các bằng chứng cũng cho thấy rõ ràng, với nhiều phương pháp can thiệp vào các lĩnh vực như hành vi, giao tiếp, cảm giác, vận động, kỹ năng xã hội đã làm cải thiện nhận thức và nâng cao khả năng thích ứng và hòa nhập xã hội của trẻ tự kỷ.

Tiến sỹ Mai phân tích: Với trẻ mắc chứng tự kỷ thì càng can thiệp tích cực, càng tiến hành sớm thì càng mang lại hiệu quả cao. Vậy mà bà lang Nùng chỉ đơn giản với 2 đồng bạc trắng, một chai nước rễ cây đã giải quyết triệt để căn bệnh dựa trên bằng chứng đưa ra chỉ dựa trên một trẻ - đặc biệt chưa được nhà chuyên khoa chẩn đoán xác định là mắc tự kỷ hay không? Chúng ta có nên tin vào những kiểu chứng cứ như thế này không?

"Tôi là một bác sỹ chuyên khoa trong số những bác sỹ hàng ngày được khám và chẩn đoán cho nhiều cháu bị tự kỷ. Nhiệm vụ của chúng tôi bên cạnh việc phát hiện và xác định chẩn đoán là nghiên cứu, tìm hiểu các phương pháp điều trị, can thiệp cho các cháu tự kỷ, đồng thời tư vấn cho các bậc cha mẹ có trẻ nghi ngờ cũng như đã được chẩn đoán tự kỷ,” bác sỹ Mai nhấn mạnh.

Về quan điểm trước thông tin trên, bác sỹ Mai chỉ rõ, các bậc cha mẹ rất lo lắng, bối rối và đau khổ khi con bị mắc chứng bệnh này, tìm cách chạy chữa nhiều nơi. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần sáng suốt và bình tĩnh nhận định khi đón nhận thông tin từ các nguồn khác nhau.

Người dân nên tin tưởng vào các thông tin từ các cơ sở khoa học chứng cứ, từ các nhà chuyên gia về lĩnh vực này (các bác sỹ chuyên khoa, các nhà tâm lý nhi khoa, các nhà giáo dục đặc biệt...) để tránh tình trạng "tiền mất mà tật vẫn mang" và không để mất thời gian quý báu quan trọng cho việc can thiệp sớm, tích cực cho trẻ em mắc chứng này có thể hòa nhập tốt vào cộng đồng..

Vụ "Bà lang Nùng chữa tự kỷ": Có thể gây thay đổi một cách thần kỳ? ảnh 2Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mai trò chuyện với trẻ có chứng tự kỷ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

"Cạo gió thần kỳ"

Chia sẻ quan điểm của mình, tiến sỹ Vũ Song Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số bày tỏ: “Đọc bài viết này, là một nhà nghiên cứu làm trong lĩnh vực tự kỷ, thực sự tôi cảm thấy rất không yên tâm. Mặc dù tác giả không viết là bà lang chữa khỏi, nhưng cách viết là sau 3 tháng, bé Huy Mạnh trở thành một đứa trẻ gần như bình thường chắc rằng đã thổi bùng lên hy vọng của rất nhiều phụ huynh.”

Việc phụ huynh mong mỏi và sẵn sàng thử bất cứ cách nào để có thể chữa khỏi cho con là một điều hết sức thường tình. Tuy nhiên, việc quá tin vào các biện pháp can thiệp/điều trị chưa có đủ các bằng chứng khoa học sẽ dẫn đến việc mất cơ hội can thiệp đúng đắn cho trẻ, tốn kém về tài chính và có thể làm trầm trọng hơn sự lo lắng, thất vọng của cha mẹ khi thấy con mình không tiến bộ như mong đợi.

Tiến sỹ Vũ Song Hà cho biết, tự kỷ là một rối loạn phát triển phức tạp, do sự bất thường trong phát triển của não bộ. Cho đến nay, chưa có một biện pháp nào có thể chữa khỏi được tự kỷ và các biện pháp được thừa nhận về mặt khoa học hiện nay đều đỏi hỏi quá trình can thiệp lâu dài và tích cực.

Bàn luận về cách chữa bệnh “thần kỳ” trên, tiến sỹ Hà thẳng thắn: “Những biện pháp được mô tả có thể gây thay đổi một cách thần kỳ là những biện pháp mà tôi e ngại nhất. Đặc biệt, trong danh sách các biện pháp can thiệp có kiểm chứng khoa học hiện nay chưa có biện pháp “cạo gió.” Chính vì thế, khi đọc bài báo này, tôi rất mong ngành y tế, giáo dục và các nhà chuyên môn vào cuộc để có thể kiểm chứng được các biện pháp can thiệp, giám sát và hỗ trợ các dịch vụ can thiệp cho trẻ, cũng như cung cấp thông tin chính xác cho phụ huynh.”

Chữa tự kỷ bằng cạo gió: Không đáp ứng được các tiêu chí.

Trao đổi về phương pháp chữa của bà lang Nùng, bác sỹ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nghiên cứu Điều trị Kỹ thuật cao, Viện Y sinh Nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga (Bộ Quốc phòng) thì cho hay, để chứng tỏ một liệu pháp nào đó có hiệu quả trong việc trị bệnh, cụ thể ở đây là chứng tự kỷ, cần đáp ứng rất nhiều yêu cầu.

Chẳng hạn như có một số tiêu chí căn bản như phải có chẩn đoán xác định bệnh nhân đó đúng là mắc chứng tự kỷ; Phải chứng minh được: trong thời gian bệnh nhân được điều trị, không áp dụng biện pháp nào khác, hoặc các biện pháp khác đó, không có tác dụng nhiều.

Theo bác sỹ Huy Hoàng, một liệu pháp nào đó được điều trị có hiệu quả thì số lượng bệnh nhân được điều trị khỏi phải lớn. Việc lớn đến mức nào thì tùy quy mô nghiên cứu, song tối thiểu phải từ 30 bệnh nhân trở lên mới có thể tạm viết ra một bài báo (và chưa thể kết luận được gì), từ đó nghiên cứu trên số lượng bệnh nhân lớn hơn nhiều lần, trên phạm vi rộng lớn, được nhiều hội đồng nghiên cứu thẩm định qua các bước, rồi mới có thể kết luận.

Như vậy, nếu xét cả ba tiêu chí trên thì, các thông tin trong bài báo đều không đáp ứng được./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục