Xây dựng chiến lược quốc gia tổng thể về sức khỏe tâm thần

Theo Thứ trưởng Y tế, việc xây dựng chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần nhằm đưa ra các định hướng phát triển chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn diện.
Xây dựng chiến lược quốc gia tổng thể về sức khỏe tâm thần ảnh 1
Giờ uống thuốc của bệnh nhân tâm thần ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Ngày 4/8 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo xây dựng chiến lược Quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030, với sự tham dự của đại diện Bộ Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội; chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng đại diện lãnh đạo các bệnh viện tâm thần trên cả nước.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành y tế đang phải đối mặt với áp lực từ các bệnh không lây nhiễm, trong đó có các bệnh về sức khỏe tâm thần.

Việc thiếu hụt cán bộ y tế chuyên ngành tâm thần đã khiến công tác chăm sóc, quản lý và điều trị bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc xây dựng chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần nhằm đưa ra các định hướng phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần một cách toàn diện là việc làm cần thiết.

Bên cạnh đó, cần có cơ sở lập kế hoạch phát triển nguồn lực; phát triển các dịch vụ y tế và bảo trợ xã hội, hướng tới xây dựng hệ thống luật pháp đầy đủ, mạnh mẽ về sức khỏe tâm thần…

Tại Việt Nam, theo điều tra của Bệnh viện tâm thần Trung ương 1, có khoảng 14,9% dân số Việt Nam mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có gần 1 bác sỹ chuyên khoa tâm thần/100.000 dân, so với trung bình thế giới là 3 bác sỹ chuyên khoa tâm thần/100.000 dân.

Việt Nam nằm trong số các quốc gia chưa có luật về sức khỏe tâm thần. Hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chưa phát triển toàn diện. Dự án bệnh viện sức khỏe tâm thần cộng đồng hiện đang tập trung vào bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm. Trong đó, các dịch vụ cung cấp cho người bệnh chủ yếu là điều trị bằng hóa dược, chưa phát triển đúng mức dịch vụ hỗ trợ tâm lý và phục hồi chức năng cho người bệnh.

Đặc biệt việc thiếu chiến lược tổng thể, toàn diện về chăm sóc sức khỏe tâm thần, thiếu cơ chế hợp tác liên ngành với sự phân công trách nhiệm rõ ràng của các bộ, cơ quan liên quan là một trong những hạn chế của hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sức khỏe tâm thần không chỉ là không có các rối loạn tâm thần, mà là tình trạng khỏe mạnh, trong đó mỗi cá nhân nhận thức được khả năng của bản thân, có thể đối phó với những căng thẳng thông thường của cuộc sống, có thể làm việc hiệu quả, sinh lợi và có thể tham gia, đóng góp cho cộng đồng.

Hiện nay rối loạn tâm thần và lạm dụng chất rất phổ biến trên thế giới. Năm 2008, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có hơn 150 triệu người bị trầm cảm, khoảng 125 triệu người bị ảnh hưởng bởi các rối loạn liên quan đến sử dụng rượu, hơn 50 triệu người động kinh và 24 triệu người mắc bệnh Alzheimer.

Tại hầu hết các nước thu nhập thấp và trung bình, sự đầu tư nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và nhân lực cho sức khỏe tâm thần còn rất hạn chế.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, chi phí tại các quốc gia này dành cho sức khỏe tâm thần chiếm dưới 2% chi phí y tế nói chung của họ. Nhiều quốc gia còn thiếu sự cam kết đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục