1001 kiểu chạy động đất: Qua rối loạn đến chột dạ

Chuyện có thấy dư chấn động đất hay không thành câu chào sáng nay của người Hà Nội, nhưng hỏi khi đó cần làm gì thì...ít ai biết.
Sau khi Hà Nội chịu ảnh hưởng của động đất tối 24/3, sáng 25/3, tại khắp các cơ quan, công sở, trường học chuyện động đất đã được kể và trao đổi "tưng bừng." Muôn người, nhiều tâm trạng nhưng ai cũng hoang mang… Nếu có động đất thì mình làm gì? Phóng viên Vietnam+ đã ghi nhận từ những phỏng vấn nhanh trên nhiều khu vực dân cư, trường học và cả những người được cho là "lơ tơ mơ" như giới nghệ sĩ đã chạy động đất thế nào? Nghệ sĩ chạy động đất Ông Chu Thơm, nhà viết kịch bản nổi tiếng, tác giả của “Mỹ nhân và anh hùng” cho biết:  "Tôi lúc nào cũng chuẩn bị trong mình một chiếc USB ghi đầy đủ các dữ liệu và công việc mình đã và đang làm. Nếu động đất nhỏ, tôi sẽ ngồi trong nhà. Nhà tôi do chính tôi giám sát thi công nên tôi biết đó là chỗ chắc chắn nhất. Và tránh những chen lấn xô đẩy." "Tôi luôn nghĩ gia đình là nơi trú ẩn toàn nhất của mỗi người. Nếu mạnh quá thì tôi sẽ ra khỏi nhà. Như dư chấn nhỏ hôm qua thì tôi vẫn ở trong nhà cùng những người thân của mình." Gia đình nghệ sĩ Đỗ Kỷ và nghệ sĩ ưu tú Lan Hương không bị ảnh hưởng gì. Nhưng khi được hỏi nếu có động đất anh sẽ làm gì thì anh chỉ cười và bày tỏ sự "chột dạ" vì quả thực anh chị cũng chưa nghĩ đến điều này nhiều. Ông Đỗ Tuấn - Phó Trưởng phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật Biểu diễn nói ngắn gọn: "Chạy ngay ra ngoài." Còn nhạc sĩ Lương Thủy chuyên viên âm nhạc đưa ra giải pháp: “Đầu tiên là chui vào gầm bàn theo kinh nghiệm của người Nhật" Nhà văn Nguyễn Thế Hùng (Tạp chí Văn nghệ quân đội): "Nếu có động đất ư? Tôi ở bên Long Biên, may mà khu của tôi yên ổn không bị, nếu bị tôi chỉ còn biết kéo vợ và hai con chui xuống gầm bàn. Tôi có hai con, cháu lớn mới học lớp ba cháu dễ hoảng loạn nên mình phải lấy bản lĩnh của người lính để bình tĩnh xử lý tình huống thôi. Giáo viên và học sinh nói về động đất... Nhà giáo Ngô Thị Khánh Hoa (Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú ) ở chung cư Linh Đàm kể lại: Lúc đó thấy mọi người chạy cuống quýt trong thang máy, dưới đường. Tôi cuống quá đi lấy ví và tìm chìa khóa xe để hai vợ chồng chạy xuống(!) Được sự giúp đỡ của nhà giáo Khánh Hoa, Phóng viên Vietnam+ đã gặp gần 100 học sinh lớp 11 và 12 tại quận Đống Đa-Hà Nội và đưa ra câu hỏi rằng các em có biết, các em đã làm gì vào tối hôm qua. Có khoảng gần 30 em giơ tay khẳng định mình có biết, có sợ và đã không biết làm gì với ảnh hưởng của động đất hôm qua. Còn số đông còn lại thì ngơ ngác, nhốn nháo, tò mò… Học sinh Nguyễn Long Giang (Lớp 12) gia đình ở phố Đội Nhân cho biết: Nhà em ở tầng 2 trong chung cư 14 tầng. Em đứng trên gác nhìn xuống thấy hàng trăm người chạy lung tung, náo loạn. Thật ra lúc đó em cũng hơi hoảng nhưng vẫn bình tĩnh hơn họ. Em Trịnh Quỳnh Trang ở quận Hai Bà Trưng kể: Em thấy chóng mặt quá, em cứ tưởng do mình chứ không biết ngay đó là động đất. Học sinh Như Ngọc cho biết: "Bể cá nhà em sóng sánh hết nước ra ngoài. Em cũng sợ nhưng không biết làm gì." Thầy giáo Thành, Thanh Liệt, Hà Nội thì lại tỏ ra bối rối: "Từ trước đến nay, tôi chưa phải chứng kiến trận động đất nào nên nếu gặp động đất nhẹ, cả nhà sẽ tụm vào một chỗ trong nhà, còn nếu bị động đất nặng thì kéo nhau chạy ra ngoài thôi." Cư dân mạng náo loạn vì động đất   Ngay sáng ngày 25/3, dân cư mạng đã lan truyền nhau thông tin về động đất tối qua. Sau đó không ít người đã đặt ra câu hỏi, “Nếu có động đất chúng ta sẽ làm gì?” Một bạn gái (18 tuổi) có nick meou_vt92 đang sống tại Nhật đưa ra ý kiến: "Theo mình nghĩ thì nếu có động đất xảy ra thì việc trước tiên là phải tắt hết nguồn của các thiết bị dễ gây cháy nổ, rồi sau đó bằng cách nhanh nhất chạy thoát thân ra khỏi nhà, đứng cách xa các tòa nhà cao tầng. Chứ không nên chui xuống gầm bàn như ở Nhật." Bạn này nói rõ: “Vì mình thấy nhà cửa bên này người ta đã xây dựng theo cách để phòng chống động đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bằng những vật liệu nhẹ nhưng cực kì bền chắc, độ dẻo dai cao. Hôm động đất ngày 11 tháng 3 mình đã được tận mắt chứng kiến tòa nhà trường mình lắc lư, rung rinh mạnh nhưng không hề hấn gì cả. Điều đó cho thấy nhà cửa ở đây cực kì dẻo dai và vững chắc.” Từ nick meou_vt92 phân tích tiếp: “Còn đối với Việt Nam mình ít khi và hầu như không có động đất xảy ra nên nhà cửa không xây theo lối để phòng động đất. Vậy có nên trú trong nhà khi có động đất xảy ra, bởi có thể không chết vì động đất nhưng lại chết vì tường sập vào người”. Một bạn có nick Pukentnguyen (21 tuổi) khẳng định, dù muốn hay không muốn thì chúng ta cũng phải trú trong nhà.  Bởi nhà cửa ở Việt Nam xây san sát nhau, dây điện thì ríu rít nối tiếp nhau, khi có động đất, có ai đủ can đảm và khả năng để vượt qua hết những căn nhà để đến một bãi đất trống. “Cách tốt nhất là nên bảo toàn mạng sống của chúng ta trước đã, cứ chui xuống những cái bàn chắc chắn, động đất xong thì nghĩ đến chuyện thoát ra,” bạn Nguyễn viết. Rất nhiều bạn trẻ thì gần như thụ động và cho rằng động đất lớn thì trốn đâu cho thoát. Chỉ còn phụ thuộc vào... hên xui./.
Tiến sĩ Lê Huy Minh phó Viện trưởng phụ trách (Viện Vật lý Địa cầu – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) khuyến cáo, khi động đất xảy ra, người dân nếu đang ở trong nhà thì nên tìm nơi trú ẩn như gầm bàn, gầm ghế.

Nếu ở ngoài trời thì nên tránh xa các khu nhà cao tầng. Bên cạnh đó, cần hết sức bình tĩnh, tránh xa cửa kính và dây điện bởi khi cửa kính vỡ, dây điện đứt có thể gây sát thương cho người đứng cạnh.

Nếu ở nhà cao tầng, tuyệt đối không nên dùng thang máy bởi điện có thể bị cắt bất cứ lúc nào. Ngoài ra, nếu đang lái xe, người lái cần dừng ngay xe ở lề đường, tránh gần các cột điện hay gầm cầu.
Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục