52 tỷ USD bảo hiểm cho ngân hàng Mỹ bị sụp đổ

Số tiền bảo hiểm cho các ngân hàng của Mỹ bị sụp đổ trong 5 năm tới sẽ lên tới 52 tỷ USD, ít hơn khoảng tám tỷ USD so với dự báo.
Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) của Mỹ ngày 19/10 dự báo số tiền bảo hiểm cho các ngân hàng của Mỹ bị sụp đổ trong giai đoạn từ năm 2010-2014 sẽ lên tới 52 tỷ USD, ít hơn khoảng tám tỷ USD so với dự báo trước đó.

FDIC cho biết sở dĩ cơ quan này đưa ra dự báo thấp hơn trước đó là do sự hồi phục của nền kinh tế, làm số ngân hàng bị sụp đổ có thể ít hơn và các khoản lỗ mà quỹ bảo hiểm phải gánh chịu cũng thấp hơn.

Thông báo của FDIC còn cho thấy do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế nặng nề từ cuối năm 2007, từ đầu năm đến nay đã có 132 ngân hàng phải đóng cửa, so với 140 ngân hàng trong cả năm 2009 và 25 ngân hàng trong năm 2008.

Sự đổ vỡ của các ngân hàng cũng làm cho quỹ bảo hiểm tiền gửi liên bang bị âm, đến cuối quý 2/2010 quỹ này đã âm 15,2 tỷ USD.

Cùng ngày, FDIC thông báo kế hoạch dài hạn nhằm duy trì bản cân đối quỹ bảo hiểm tiền gửi luôn luôn dương, ngay cả khi có những khoản thất thoát lớn.

Theo đó, FDIC sẽ yêu cầu các ngân hàng là thành viên của tổng công ty trả mức phí bảo hiểm thấp hơn nếu quỹ bảo hiểm đạt mức dự trữ dài hạn là 2%, cao hơn 0,85% so với mức dự trữ trước đây.

Chủ tịch FDIC, bà Sheila Bair, cho biết kế hoạch tổng thể của FDIC - được đưa ra lấy ý kiến của công chúng trong vòng 30 ngày, sẽ giúp thiết lập tiêu chuẩn nhằm quản lý quỹ ổn định trong thời gian dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục