Ai Cập trước nguy cơ hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ

Việc mua các máy bay chiến đấu Su-35 do Nga chế tạo là việc làm cần thiết đối với Ai Cập. Tuy nhiên, điều này có thể chọc giận Mỹ, khiến Washington áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.
Ai Cập trước nguy cơ hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh 1Máy bay Su-35 của Nga. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuần báo The Arab Weekly số ra ngày 24/11 có bài phân tích về những động thái của Ai Cập liên quan đến việc mua sắm các thiết bị quân sự tối tân của Nga.

Tác giả bài viết cho rằng bước đi này của chính quyền Cairo có thể sẽ “chọc giận” Mỹ, khiến Washington áp đặt các lệnh trừng phạt giống như họ đã từng làm đối với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.

The Arab Weekly dẫn nhận định của các nhà phân tích chính trị và chuyên gia quân sự cho rằng việc mua các máy bay chiến đấu Su-35 do Nga chế tạo là việc làm cần thiết đối với Ai Cập nhằm duy trì năng lực tác chiến chống khủng bố, bảo vệ các lợi ích của nước này cũng như bảo vệ tuyến hàng hải quốc tế đi qua Kênh đào Suez và Biển Đỏ.

Tướng quân đội về hưu Nagui Shohoud đánh giá: “Ai Cập là một cường quốc quan trọng ở khu vực. Cairo cần duy trì vai trò hòa giải truyền thống trong bối cảnh khu vực có sự hỗn loạn lớn."

Năm 2018, Ai Cập đã đặt hàng mua loại máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng này từ Nga với hợp đồng trị giá 2 tỷ USD.

Moskva dự kiến sẽ chuyển giao 20 chiếc Su-35 cho phía Cairo vào năm 2020 và 2021.

Việc Ai Cập mua máy bay của Nga dường như là một sự đáp trả trước việc Cairo bị Washington từ chối bán cho các máy bay F-35.

Động thái của Ai Cập đã bị Mỹ phản đối, thương vụ mua sắm máy bay của Nga này có thể sẽ khiến Cairo đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Washington.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề chính trị-quân sự, R. Clarke Cooper mới đây đã tuyên bố rằng Ai Cập có nguy cơ phải chịu những lệnh trừng phạt của Mỹ nếu Cairo mua máy bay của Nga.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đề cập tới các biện pháp trừng phạt đối với Ai Cập, vốn là một đồng minh của họ ở khu vực.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã từng cảnh báo rằng Washington sẽ áp đặt trừng phạt Ai Cập nếu nước này mua máy bay Su-35 của Moskva.

Ông Pompeo nêu rõ: “Chúng tôi nói rõ rằng nếu Ai Cập mua các máy bay này, Luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt (CAATSA) quy định sẽ phải áp dụng trừng phạt chính quyền nước này."

CAATSA được ban hành năm 2017 nhằm áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran, Triều Tiên và Nga.

Vấn đề này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về tương lai của mối quan hệ giữa Ai Cập và Mỹ.

Tarek Fahmi, Giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị thuộc trường Đại học Tổng hợp Cairo, cho rằng “những lệnh trừng phạt có vẻ như sẽ không phải là điều dễ dàng đối với Mỹ giữa lúc đang tăng cường hợp tác với Ai Cập. Đây không phải là lần đầu tiên Ai Cập ký thỏa thuận mua vũ khí của Nga."

Trong 5 năm qua, Ai Cập đã mua sắm nhiều thiết bị quân sự của Nga và Moskva chỉ là một phần trong bản danh sách dài các nhà cung cấp vũ khí cho Cairo.

Ai Cập cũng đã hợp tác với Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Trung Quốc.

Ai Cập tuyên bố rằng nước này muốn đa dạng hóa các nguồn cung cấp vũ khí sau nhiều thập kỷ phụ thuộc vào thiết bị quân sự của Mỹ.

[Thổ Nhĩ Kỳ tìm giải pháp thay thế hợp đồng mua máy bay F-35 của Mỹ]

Năm 2013, Ai Cập đã học được bài học về sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp thiết bị quân sự duy nhất khi Mỹ từ chối cung cấp khí tài quân sự và ngừng viện trợ tài chính vì những diễn biến chính trị ở Cairo.

Những gì diễn ra hồi năm 2013 đã cho thấy Mỹ có thể làm gì nếu Ai Cập xúc tiến việc mua máy bay của Nga.

Với khoảng 1,3 tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm, Ai Cập là nước nhận viện trợ lớn nhất từ Mỹ sau Israel.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, ngoài việc bị ngừng một phần hoặc cả gói viện trợ quân sự và có thể là cả viện trợ kinh tế, Mỹ còn có thể đình chỉ các hoạt động huấn luyện quân sự chung với quân đội của quốc gia Bắc Phi này.

Quân đội Ai Cập và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận “Bright Star” (Sao sáng) từ năm 1980.

Cuộc tập trận này đã bị hủy bỏ vào năm 2011 vì các cuộc biểu tình “Mùa Xuân Arab” ở Ai Cập và đã được nối lại vào năm 2018.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ làm dấy lên câu hỏi về việc liệu Ai Cập có thể chịu được không và liệu rằng các máy bay của Nga có đáng giá để chấp nhận điều này?

Ngoài ra, cũng cần nhắc tới mối quan hệ không rõ ràng giữa Cairo và Moskva.

Ai Cập trước nguy cơ hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh 2Máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân Tyndall ở bang Florida. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ai Cập và Nga có nhiều kế hoạch hợp tác lớn. Nga dường như muốn tìm cách duy trì lực lượng ở Ai Cập như một phần của việc mở rộng ảnh hưởng của nước này ở Trung Đông và châu Phi.

Hồi tháng Tám vừa qua, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược.

Nga đang xây dựng một khu công nghiệp ở vùng Suez và sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ai Cập.

Moskva cũng có kế hoạch xây dựng các xưởng sản xuất để bảo trì các thiết bị quân sự của Nga ở Ai Cập. Một quan chức chính phủ Ai Cập giấu tên đã mô tả các thỏa thuận vũ khí như một “vấn đề mang tính chủ quyền” đối với Cairo.

Tờ Daily News Egypt số ra mới đây dẫn lời quan chức này khi bình luận về khả năng Mỹ trừng phạt Ai Cập, nêu rõ: “Ai Cập là một nước độc lập vốn không nhận các mệnh lệnh của những nước khác."

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đã đưa ra khuyến cáo cần thận trọng về vấn đề này.

Ông Fahmi cho biết: “Ai Cập cần phải sử dụng các kênh ngoại giao để giải thích quan điểm của mình với chính quyền Mỹ. Điều này là rất quan trọng nếu không muốn mọi việc trở nên xấu hơn”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục