Ngày 7/9, trong cuộc họp của ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) tại đảo Síp, Anh, Pháp và Đức đã kêu gọi các nước khác trong EU nhất trí áp đặt biện pháp trừng phạt mới chống Iran, sau khi những cuộc đàm phán giữa nước này và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng với Đức), về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran đã không mang lại bất kỳ kết quả đột phá nào.
Trong bối cảnh Israel tiếp tục đe dọa có hành động quân sự chống Iran, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle khẳng định việc Tehran không đáp ứng được những đòi hỏi của cộng đồng quốc tế đồng nghĩa EU cần thảo luận những biện pháp trừng phạt mới trong vài tuần tới.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng những biện pháp này có thể nhằm vào lĩnh vực tài chính, thương mại và dầu mỏ của Iran, song ông không cho biết thêm chi tiết.
Hồi tháng 7 vừa qua, EU đã quyết định ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran nhằm gây sức ép buộc Tehran phải từ bỏ chương trình hạt nhân. Hiện Mỹ cũng đang gia tăng áp lực ngoại giao để cô lập kinh tế Iran.
Trong một động thái cho thấy phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép chống Iran, ngày 7/9, Canada thông báo đã đóng cửa Đại sứ quán nước này tại Iran, đình chỉ mọi quan hệ ngoại giao với nước này, cũng như trục xuất toàn bộ các nhà ngoại giao Iran hiện có mặt tại Canada trong vòng 5 ngày.
Ngoài ra, Canada cũng nâng cấp cảnh báo công dân nước này cần tránh hoàn toàn việc tới Iran.
Theo phóng viên TTXVN tại Canada, chính quyền Ottawa cáo buộc Iran đang trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và an ninh toàn cầu, do chương trình hạt nhân gây tranh của nước này; thái độ thù địch chống Israel; "hỗ trợ quân sự" cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad; cũng như là "nhà nước bảo trợ khủng bố." Do vậy, Canada không thể duy trì sự hiện diện ngoại giao tại Iran, bởi với nước này, an toàn của các nhà ngoại giao là ưu tiên số một.
Trước đó, Anh cũng đã đóng cửa Đại sứ quán tại Tehran từ tháng 11 năm ngoái sau khi bị người biểu tình Iran xâm nhập. Trong khi đó, Mỹ và Iran đã cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao từ năm 1979./.