AstraZeneca bày tỏ mong muốn hợp tác với EU về vấn đề vắcxin

CEO Pascal Soriot nhấn mạnh AstraZeneca không thể giao ngay được 80 triệu liều cho EU như kế hoạch, song con số chắc chắn sẽ nhiều hơn 31 triệu liều.
AstraZeneca bày tỏ mong muốn hợp tác với EU về vấn đề vắcxin ảnh 1Trụ sở của AstraZeneca tại Anh. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, bất đồng về việc phân phối vắcxin giữa công ty dược phẩm AstraZeneca và Liên minh châu Âu (EU) đã có những biến chuyển mới khi Giám đốc điều hành AstraZeneca, ông Pascal Soriot ngày 28/1 tỏ ra dịu giọng hơn và bày tỏ mong muốn hợp tác với EU.

Tờ FAZ của Đức dẫn các nguồn thạo tin trong EU cho biết, trong cuộc thảo luận trực tuyến với đại diện các nước thành viên EU, ông Soriot nhất trí sẽ công bố nội dung hợp đồng chuyển giao vắcxin của hai bên.

Hiện bộ phận pháp lý của AstraZeneca đang xây dựng dự thảo trong đó có thể bỏ đi những thông tin nhạy cảm trong hợp đồng để trình Ủy ban châu Âu và có thể công bố trong ngày 29/1.

Bên cạnh đó, ông Soriot cam kết công ty này sẽ cung ứng cho EU số lượng vắcxin nhiều hơn trong tháng 2 so với thông báo trước đó là trên 31 triệu liều.

[Chuyên gia Đức khuyến cáo về vắcxin COVID-19 của AstraZeneca]

Ban đầu, EU thông báo kế hoạch nhập về trong quý I/2021 là 80 triệu liều vắcxin của AstraZeneca. Tuy nhiên, công ty này hồi cuối tuần trước bất ngờ thông báo sẽ giảm khối lượng bàn giao xuống 31 triệu liều do gặp trục trặc ở dây chuyền cung ứng.

Ông Soriot nhấn mạnh AstraZeneca không thể giao ngay được 80 triệu liều như kế hoạch, song con số chắc chắn sẽ nhiều hơn 31 triệu liều.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel gửi lãnh đạo 4 nước EU gồm Áo, CH Séc, Đan Mạch và Hy Lạp. Trong đó, ông Michel kêu gọi EU phải tìm hiểu các biện pháp pháp lý nhằm đảm bảo nguồn cung vắcxin ngừa COVID-19, trong trường hợp công tác đàm phán với các công ty dược phẩm về việc giao hàng chậm trễ không có tiến triển.

Một vài nước trong số 27 quốc gia thành viên EU đã đề xuất đưa ra những hành động pháp lý để buộc các công ty dược phẩm phải tuân theo các cam kết cung cấp vắcxin.

Theo ông Michel, EU có thể viện dẫn tới Điều 122 trong hiệp ước của khối, theo đó các quốc gia EU sẽ thực hiện "các biện pháp phù hợp với tình hình kinh tế" trong trường hợp nguồn cung khó khăn nghiêm trọng.

Điều này sẽ cung cấp cho EU và các quốc gia thành viên những phương tiện pháp lý, bằng cách áp dụng các biện pháp khẩn cấp thích hợp, để đảm bảo sản xuất và cung cấp vắcxin hiệu quả cho người dân của khối.

Ông Michel, đại diện cho 27 quốc gia thành viên của EU, cho biết bản thân ông ủng hộ mọi nỗ lực giải quyết vấn đề với các nhà sản xuất vắcxin "thông qua đối thoại và thương lượng".

Tuy nhiên, nếu không thể tìm ra giải pháp thỏa đáng, ông tin rằng EU phải xem xét tất cả các phương án

Hiện EU cũng đang kiểm tra toàn diện hơn các loại vắcxin trước khi phê duyệt, đồng nghĩa với việc triển khai tiêm phòng sẽ bị chậm hơn so thành viên cũ của khối là Anh, điều khiến sự thất vọng của công chúng ngày càng tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục