AstraZeneca cam kết đầu tư cho nghiên cứu y tế ở Việt Nam

Lãnh đạo của AstraZeneca tái khẳng định cam kết đầu tư cho hoạt động nghiên cứu tại Việt Nam để tạo nên những tác động tích cực cho ngành y tế và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
AstraZeneca cam kết đầu tư cho nghiên cứu y tế ở Việt Nam ảnh 1Bác sỹ khám sàng lọc cho người dân trước khi tham gia vào một chương trình thử nghiệm lâm sàng. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Các hoạt động nghiên cứu lâm sàng và kết quả ứng dụng ngày một đóng góp lớn hơn để nâng cao chất lượng điều trị và cải thiện chính sách y tế, đặc biệt trong lĩnh vực tim mạch, thận, chuyển hóa tại Việt Nam.

Theo ông Nitin Kapoor - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam và các thị trường mới nổi khu vực châu Á, đơn vị này đã thấy nhiều kết quả tích cực khi nhìn lại hành trình đóng góp cho những bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ của ngành y tế Việt Nam thông qua hoạt động nghiên cứu lâm sàng. Chính vì vậy, AstraZeneca sẽ tiếp tục cam kết đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu tại Việt Nam để tạo nên những tác động tích cực cho ngành y tế và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

[AstraZeneca: Thuốc Evusheld có thể vô hiệu hóa dòng phụ của Omicron]

Nói về thử nghiệm lâm sàng, tiến sỹ Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết đây là một lĩnh vực chuyên sâu trong khoa học sức khỏe, là công đoạn cuối cùng quyết định thành công của một thuốc hay liệu pháp can thiệp y tế.

“Triển khai thử nghiệm lâm sàng quốc tế tại Việt Nam là cơ hội để chúng ta hội nhập quốc tế, được chuyển giao các kỹ thuật nghiên cứu cũng như học hỏi kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia trên thế giới. Từ đó đẩy nhanh sự phát triển nghiên cứu các thuốc mới để người dân tiếp cận được với các thuốc mới sớm và dễ dàng hơn, cung cấp thêm kinh nghiệm và nền tảng cho việc tự nghiên cứu phát triển thuốc theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế,” ông Quang phân tích.

AstraZeneca cam kết đầu tư cho nghiên cứu y tế ở Việt Nam ảnh 2 Tiến sỹ Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục khoa học công nghệ và Đào tạo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ở khía cạnh chính sách, tiến sỹ Đặng Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh dữ liệu từ nghiên cứu lâm sàng là bằng chứng quan trọng cho thấy hiệu quả điều trị của thuốc để đưa vào thực tế điều trị. Dữ liệu này, khi đi cùng các bằng chứng về kinh tế-y tế chứng minh cho yếu tố hiệu quả về chi phí của thuốc, chính là cơ sở thiết yếu cho việc hoạch định các chính sách chi trả của bảo hiểm y tế.

Đánh giá mô hình nhiều loại bệnh, giáo sư Đặng Vạn Phước - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam chỉ rõ hiện nay nhóm bệnh lý tim mạch, thận, chuyển hóa vẫn đang là một vấn đề sức khỏe toàn cầu. Trong những năm gần đây, dù nền y học có nhiều tiến bộ, nhiều liệu pháp điều trị ra đời nhưng bệnh nhân vẫn còn chịu nhiều gánh nặng về sức khỏe, kinh tế và vẫn còn rất nhiều nhu cầu điều trị chưa được đáp ứng.

Vì vậy, các hoạt động nghiên cứu lâm sàng của các doanh nghiệp đầu tư phát triển thuốc nói chung và AstraZeneca nói riêng được đánh giá cao. Các nghiên cứu mới này đã góp phần tạo nên những thành công đáng kể để tìm ra phác đồ điều trị tối ưu hơn cho bệnh nhân, góp phần cải thiện thêm hiệu quả điều trị và giảm đáng kể tỷ lệ tử vong.

Phó giáo sư Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam nhận định: “Thử nghiệm lâm sàng ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng khuyến cáo điều trị và thực hành của bác sỹ. Sự tham gia của bệnh nhân Việt Nam trong các thử nghiệm lâm sàng lớn sẽ mang lại bằng chứng về hiệu quả và an toàn của thuốc trên dân số Việt Nam, giúp các chuyên gia và nhà lâm sàng cập nhật các khuyến cáo và ứng dụng trong điều trị trong nước.”

Hiện AstraZeneca Việt Nam đang phát triển dự án CaReMe cùng các đối tác với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng, cung cấp giải pháp phát hiện sớm bệnh lý và nâng cao năng lực quản lý bệnh cho cán bộ y tế, tiến đến làm giảm gánh nặng y tế đến từ nhóm bệnh này.

Qua nhiều năm hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế và các đối tác trong lĩnh vực y khoa, các chương trình của AstraZeneca như CaReMe; Chương trình Vì lá phổi khỏe; Sức khỏe thanh thiếu niên hay Dự án Hợp tác vì Tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế toàn cầu (PHSSR)... đã và đang cải thiện cuộc sống của hàng triệu bệnh nhân đồng thời tạo ra những tác động tích cực đến chất lượng chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục