Australia công khai “di sản văn hóa” trong Thế chiến I

Australia trưng bày cuốn nhật ký ghi lại những tâm tư của một binh sỹ trẻ tuổi, người đã bị tử trận trong cuộc Thế chiến thứ nhất.
Chiều 2/7, Quỹ Tín thác độc lập lâu đời nhất Australia, The Trust Company, đã trao cho Thư viện bang New South Wales cuốn nhật ký của binh sỹ trẻ tuổi Gunner Norman Pearce, người đã tử trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Tâm tư của người lính trẻ về cuộc sống, về con người, về chiến tranh, điều mà binh sỹ Australia thời đó không được phép ghi lại, giờ đây đã được công khai hóa.

Tại buổi lễ, cuốn nhật ký nhỏ bìa xanh đậm đã được đại diện Quỹ tín thác và gia đình binh sỹ Gunner Pearce trân trọng trao cho Thư viện bang New South Wales.

Trong bài phát biểu, Giám đốc điều hành The Trust Company John Atkin nhấn mạnh: “Quỹ Tín thác tự hào vì được tham gia gìn giữ di sản của Gunner Pearce và gia đình ông thông qua việc trao cuốn nhật ký này cho thư viện bang”.

Cuốn nhật ký là minh chứng điển hình cho cách nhìn thế giới của giới trẻ ở giai đoạn chiến tranh khốc liệt đó và thể hiện khát vọng hòa bình mà bất kỳ người lính nào như Gunner đều nuôi dưỡng.

Dự kiến Thư viện bang New South Wales sẽ ghi chép lại và số hóa cuốn nhật ký này để tạo thuận lợi cho công tác nghiên cứu tại thư viện cũng như trên mạng Internet.

Cuốn nhật ký là lời tâm sự của chàng trai Gunner Pearce 25 tuổi trong những tháng ngày trước Trận Somme lịch sử năm 1916. Đây là một trong những trận đánh lớn nhất, đẫm máu nhất của Chiến tranh thế giới lần thứ nhất cũng như trong lịch sử loài người.

Ghi lại những tháng ngày rong ruổi, khi thì ở Ai Cập, lúc lại tới Pháp, chàng trai trẻ Gunner cũng đưa ra ra những quan điểm sống, những nhận xét, đánh giá về đồng đội, tâm sự về nỗi lo sợ một ngày phải bỏ mình nơi trận mạc.

Cuốn nhật ký khép lại một ngày trước khi Gunner tham chiến trong Trận Somme, ngày mà nỗi lo sợ thường trực của anh cuối cùng đã đến./.

Đỗ Vân/Syney (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục