Ba trụ cột để phát triển du lịch Quảng Ninh đặc sắc và riêng biệt

Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Quảng Ninh cần đầu tư xây dựng một số khu nghỉ dưỡng giải trí đẳng cấp hàng đầu thế giới, đáp ứng nhu cầu của khách siêu sang, ưu tiên đầu tư các khu du lịch biển đảo.
Ba trụ cột để phát triển du lịch Quảng Ninh đặc sắc và riêng biệt ảnh 1Phiên thảo luận phát triển du lịch. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023 được tổ chức ở thành phố Hạ Long ngày 17/3, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng Quảng Ninh cần bám sát 3 trụ cột gồm tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử cách mạng, văn hóa con người để phát triển du lịch.

Ngoài ra, Quảng Ninh cần xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng biệt; tăng cường quảng bá, xây dựng các văn phòng đại diện ở nước ngoài, đồng thời dồn tâm, lực để tập trung nghiên cứu tháo gỡ khó khăn trong giải quyết các vấn đề khó trong phát triển du lịch đó là nguồn nhân lực về du lịch, vệ sinh môi trường, sự ô nhiễm, cơ cấu lại nền kinh tế từ "nâu" sang "xanh..."

Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023 do tỉnh tổ chức thu hút đông đảo lãnh bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và chuyên gia nghiên cứu về du lịch tham dự.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh Hội nghị là cơ hội của các địa phương trong cả nước học hỏi kinh nghiệm về cách làm du lịch của Quảng Ninh.

Đây là cách làm du lịch bài bản, khoa học, luôn đổi mới, phát huy được lợi thế tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa của mình để phát triển du lịch nên Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm các địa phương đứng đầu cả nước về thu hút đông lượng khách du lịch nội địa, quốc tế.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, hội nghị được tổ chức ngay sau Hội nghị toàn quốc về du lịch ngày 15/3 thể hiện sự quyết tâm cao của tỉnh trong cụ thể hóa các định hướng của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong phát triển du lịch nhanh, hiệu quả, bền vững.

Quảng Ninh hoan nghênh và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong, ngoài nước thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị, mang tới cho du khách sự an toàn, trải nghiệm trọn vẹn.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh thông tin trong những năm qua, du lịch tỉnh Quảng Ninh tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh,” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ba trụ cột để phát triển du lịch Quảng Ninh đặc sắc và riêng biệt ảnh 2Đại biểu quốc tế dự hội nghị. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Tỉnh thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, bứt phá phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược với đủ các loại hình (đường bộ, đường cao tốc, cảng hàng không, cảng tàu khách quốc tế…), hạ tầng y tế, văn hóa thể thao, thương mại, du lịch dịch vụ đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể…

Đặc biệt là cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tuyến đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, cảng tàu khách Quốc tế Hòn Gai, Tuần Châu, Ao Tiên… được tính toán căn cơ, không chỉ là những công trình giao thông hiện đại vào loại bậc nhất ở Việt Nam, mang đẳng cấp quốc tế mà còn là sản phẩm du lịch được yêu thích.

[Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 14 triệu lượt khách du lịch năm 2023]

Để phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19, năm 2022, tỉnh đã ban hành Chương trình mở cửa, phục hồi, thu hút mạnh mẽ khách du lịch; xác định đúng thị trường chủ đạo là thị trường khách du lịch trong nước, trong tỉnh; đồng thời thúc đẩy xúc tiến thị trường nước ngoài chuẩn bị cho 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Tỉnh xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách trong nước; phù hợp với bối cảnh dịch bệnh chưa hoàn toàn được đẩy lùi; nên đã hình thành các hành trình ngắn ngày, các tua du lịch giảm thời gian đi lại, tập trung nghỉ dưỡng, trải nghiệm khép kín nội khu; tổ chức 65 hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao phục vụ du lịch.

Tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ, kích cầu du lịch có hiệu quả cao, đó là miễn, giảm phí tham quan vịnh Hạ Long, tham quan Yên Tử và Bảo tàng Quảng Ninh; hỗ trợ xe buýt cho hành khách đến tham quan, du lịch tại địa phương qua cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn; tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố để mở rộng thị trường tới Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh vùng Đông Bắc.

Ba trụ cột để phát triển du lịch Quảng Ninh đặc sắc và riêng biệt ảnh 3Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Quảng Ninh hợp tác với các đơn vị lữ hành lớn của Việt Nam như Vietravel, Saigontouris; khẩn trương tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, các chương trình làm việc tại nhiều thị trường khả thi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ...

Năm 2022, với chính sách “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tranh thủ mọi điều kiện phục hồi hoạt động du lịch; phục hồi, phát triển nguồn nhân lực du lịch," ngành du lịch Quảng Ninh đã phục hồi, tổng số lượt khách du lịch đạt 11,6 triệu, trong đó có 304.000 lượt khách du lịch quốc tế. Doanh thu 28.000 tỷ đồng; chi tiêu bình quân một lượt khách khoảng 2,9 triệu đồng, tăng 3,2% so với năm 2021. Mức độ đóng góp của GRDP du lịch đã đạt 6% trong GRDP của tỉnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho biết năm 2023, Quảng Ninh phấn đấu trở thành một điểm đến “không thể bỏ lỡ” khi đến Việt Nam; đạt 15 triệu lượt khách, vượt 500.000 lượt khách so với năm 2019 khi chưa có COVID-19. Doanh thu đạt khoảng 32.400 tỷ đồng.

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng để tỉnh trở thành trung tâm du lịch quốc tế, địa bàn trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, ngành Du lịch Quảng Ninh cần chủ động, năng động khắc phục mọi khó khăn, hạn chế hiện nay; đồng thời nhạy bén hơn nữa trong việc nắm bắt xu hướng phát triển, nhu cầu du lịch mới; nỗ lực cao độ để thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch theo đúng định hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Quảng Ninh cần đổi mới, hoàn thiện cơ chế huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội; đầu tư xây dựng một số khu nghỉ dưỡng giải trí đẳng cấp hàng đầu thế giới, đáp ứng nhu cầu của khách siêu sang, ưu tiên đầu tư các khu du lịch biển đảo; tạo thêm các dịch vụ bổ sung, giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm mới, sản phẩm du lịch hiện có để khôi phục và tạo sức hút cho điểm đến; xây dựng mới và đa dạng sản phẩm du lịch, trong đó xây dựng và triển khai sản phẩm du lịch “Con đường du lịch bốn mùa," “Mỗi huyện/thành phố một sản phẩm du lịch đặc thù," đầu tư sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại Vân Đồn…

Bên cạnh đó, tỉnh cần xác định thị trường và phân khúc thị trường mục tiêu; phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp; thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong phát triển du lịch…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục