Bài học kinh doanh đắt giá nhất của tỷ phú Jack Ma

Đối mặt với thất bại của đợt IPO của Ant Group, vốn có thể là thành tựu cao nhất của ông, ông Jack Ma nói rằng trách nhiệm đó thuộc về ông.
Bài học kinh doanh đắt giá nhất của tỷ phú Jack Ma ảnh 1Jack Ma không xuất hiện công khai sau bài phát biểu gây chấn động ở Thượng Hải hồi tháng 10/2020. Ảnh: Getty.

Trang "theinitium.com" có đăng bài phân tích, trong đó nhận định ông Jack Ma, tỷ phú Trung Quốc và ông từng giữ chức Chủ tịch tập đoàn Alibaba, là người vừa có trí tuệ vừa có tham vọng.

Ông đã xây dựng một trong những đế chế kinh doanh lớn nhất Trung Quốc từ hai bàn tay trắng, tạo ra khối tài sản khổng lồ và mang lại đổi mới kỹ thuật số cho hàng trăm triệu người.

Dù không phải là Jeff Bezos, Elon Musk hay Bill Gates, nhưng những thành tựu của ông Jack Ma có thể sánh ngang với họ. Tuy nhiên, gần đây, sự thiếu vắng nhà lãnh đạo này trên các phương tiện truyền thông đã thu hút sự chú ý của công chúng.

Sự phát triển quá nóng...

Khi ông Jack Ma bắt đầu kinh doanh vào những năm 1990, Trung Quốc đang bước vào một môi trường kinh tế toàn cầu mới, và ông bị cuốn hút bởi tiềm năng của Internet trong việc nâng cao tiêu chuẩn xã hội Trung Quốc. Đôi khi, ông xuất hiện không được mời trong các văn phòng chính phủ, với hy vọng tận dụng mọi cơ hội để giải thích tầm nhìn của mình cho tương lai.

Năm 1999, ông Jack Ma ra mắt Alibaba, một nền tảng B2B (Doanh nghiệp với doanh nghiệp). Kể từ đó, nhiều quan chức cấp cao đã bắt đầu thừa nhận sự nhiệt tình của ông. Cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng nhận mình là "học trò nghiêm túc" của ông Jack Ma.

Bước vào giai đoạn cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, Alibaba bắt đầu lớn mạnh và ông Jack Ma xuất hiện trên các áp phích và màn hình tivi ở các cửa hàng tiện lợi, sân bay và phòng chờ đường sắt khắp Trung Quốc. Trong bài phát biểu đầu tiên, ông nói rằng thành công hay thất bại của một công ty thường phụ thuộc vào việc người sáng lập có đủ hoài bão lớn hay không.

Các quan chức chính phủ cũng đã ca ngợi công việc của ông. Chủ tịch Tập Cận Bình là một trong số đó, ông từng là Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang vào đầu thế kỷ này và trụ sở chính của Alibaba là ở Chiết Giang. Ông Tập Cận Bình khuyến khích các công ty khởi nghiệp, điều này phù hợp với chính sách của Trung Quốc vào thời điểm đó.

[Trung Quốc chặn công ty của Jack Ma phát hành IPO lớn nhất thế giới]

Một cựu quan chức Chiết Giang nhớ lại rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã khuyến khích các công ty như Alibaba mở rộng quy mô vì họ có lợi cho đất nước. Năm 2007, ông Tập Cận Bình rời Chiết Giang về làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải, theo báo chí chính thức, ông đã đến thăm Alibaba và hỏi: "Liệu có thể phát triển đến Thượng Hải không?"

Ông Porter Erisman, người từng là Phó Chủ tịch của Alibaba từ năm 2000 đến năm 2008, nói rằng tại một cuộc họp được tổ chức tại trụ sở chính của công ty vào năm 2003, các quan chức chính phủ đã có ý đề cập đến những lo ngại về dự án mới nhất của ông Jack Ma có tên là Taobao. Nền tảng này cho phép mọi người có thể trực tiếp bán hàng trên mạng.

Nhưng sau đó, cùng với thành công, ông Jack Ma ngày càng tự tin và cũng trở nên táo bạo hơn. Ông đã thúc đẩy tuyên truyền mạnh mẽ về Alipay, một dịch vụ thanh toán trực tuyến được tạo ra cho nền tảng thương mại điện tử của Alibaba, ngay cả khi dịch vụ này đe dọa sự thống trị của các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc.

Ông Jack Ma cho rằng các ngân hàng Trung Quốc đã không làm đủ để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vì họ quá quan tâm đến các doanh nghiệp nhà nước. Nhà lãnh đạo này từng nói trong một cuộc họp năm 2008 rằng nếu ngân hàng không thay đổi thì chúng tôi sẽ thay đổi ngân hàng.

Khi tầm ảnh hưởng quốc tế của ông Jack Ma đang gia tăng thì quan điểm của Bắc Kinh đã thay đổi. Năm 2014, Alibaba đã huy động được 25 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn chứng khoán New York, quy mô đã vượt qua IPO của Facebook và trở thành một trong những giao dịch phát hành cổ phiếu lớn nhất trong lịch sử.

Trong bài phát biểu ngày hôm đó, ông Jack Ma đã nói rằng thứ mà Alibaba huy động được không phải tiền, mà là lòng tin.

 … rơi vào "tầm ngắm"

Những khó khăn của Ant Group đến vào thời điểm Chính phủ Trung Quốc đang "chỉnh đốn" lại khu vực tư nhân, phạt tiền và mở cuộc điều tra đối với nhiều doanh nghiệp tư nhân, buộc nhiều công ty công nghệ như "ông trùm" về đặt xe trực tuyến Didi Global Inc. và chủ sở hữu TikTok ByteDance… phải hoạt động gắn với lợi ích quốc gia. Các công ty này có lượng vốn và dữ liệu người dùng lớn, quy mô rộng đến mức chính phủ khó kiểm soát.

Tháng 10 năm ngoái, trước khi ông Jack Ma rút khỏi vũ đài thế giới, ông đã có một bài phát biểu trong đó chỉ trích các cơ quan quản lý giám sát Trung Quốc kiềm hãm đổi mới tài chính.

Vài ngày sau, đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá hơn 34 tỷ USD của công ty công nghệ tài chính (fintech) Ant Group thuộc sở hữu của Alibaba bị tạm hoãn. Kể từ đó, Ant Group buộc phải tái cấu trúc hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc lo ngại về ảnh hưởng thị trường ngày càng mở rộng của Alibaba và Ant Group. Alipay là dịch vụ thanh toán di động lớn nhất của Trung Quốc thuộc sở hữu của Ant Group.

Hiện nay, ứng dụng thanh toán này có hơn 1 tỷ người dùng. Cơ quan giám sát quản lý cho rằng Ant Group đã sử dụng dữ liệu thu thập được từ người dùng Alipay để đạt lợi thế không công bằng trước các ngân hàng và gây khó khăn cho quốc gia trong việc giám sát rủi ro tín dụng.

Ngoài ra, các quan chức Trung Quốc cũng để mắt đến Yu'e Bao, quỹ thị trường tiền tệ (MMF) Trung Quốc do Ant Group vận hành, quản lý. Sản phẩm đầu tư này cho phép hàng trăm triệu người dùng Alipay chuyển tiền mặt vào các tài khoản với tỷ lệ hoàn vốn vượt quá lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc.

Năm 2018, quỹ chính của Yu'e Bao đã trở thành quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới với tài sản được quản lý khoảng 244 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhà quản lý Trung Quốc đã ra lệnh cho Ant Group giảm quy mô quỹ vì sợ rằng quỹ này đã chấp nhận rủi ro quá cao.

Vào thời điểm đó, có lẽ "nhất cử nhất động" của ông Jack Ma đã "lọt vào tầm ngắm" của Bắc Kinh.

Giọt nước tràn ly

Một quan chức chính phủ tham gia vào công tác giám sát quản lý liên quan cho biết ông Jack Ma lẽ ra nên giữ thái độ khiêm tốn, thực hiện nhiều biện pháp hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp chính phủ và chia sẻ lợi nhuận doanh nghiệp nhiều hơn với xã hội.

Trong khi đó, một số người cũng lên tiếng bênh vực ông, cho rằng ông đang hành động rất giống các "ông trùm" công nghệ phương Tây, đó là thúc đẩy đổi mới, theo đuổi sự thống trị thị trường, tạo ra sản phẩm mới, kêu gọi nới lỏng quy định và sau đó mới là kiếm tiền. Họ cho rằng thành công của Ant Group và "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba là sức sống, sức hút cá nhân và đạo đức nghề nghiệp của ông Jack Ma.

Tháng 9/2015, tại một buổi tọa đàm chuyên đề ở Seattle, Chủ tịch Tập Cận Bình đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ, với sự tập hợp các nhà quản lý cấp cao từ các công ty nổi tiếng của hai nước Mỹ và Trung Quốc, trong số đó cũng có ông Jack Ma và bà Ginni Rometty, khi đó là Giám đốc điều hành của IBM, lúc đó mỗi người có ba phút để phát biểu.

Ngoại trừ ông Jack Ma, những người khác đều hoàn thành bài phát biểu trong thời gian quy định. Theo những người có mặt, bài phát biểu của ông Jack Ma kéo dài 10 phút và chủ yếu nói về cách Trung Quốc nhìn thế giới và những biện pháp mà các công ty Trung Quốc có thể thực hiện để cải thiện quan hệ Mỹ-Trung. Tuy nhiên, đây là lần cuối cùng ông Jack Ma được mời nói chuyện với những người khác trước các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Mặc dù ông Jack Ma nổi tiếng ở nước ngoài nhưng sức ảnh hưởng của ông ở Trung Quốc lại giảm sút. Năm 2017, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng trung ương) đã yêu cầu các ngân hàng cắt đứt liên hệ trực tiếp với Alipay và các công ty thanh toán phi ngân hàng khác, thay vào đó thực hiện thanh toán trực tuyến thông qua một nền tảng của PBoC.

Trong các tài liệu nội bộ của mình, PBoC đã chỉ trích Ant Group vì đã can thiệp vào mạch lưu thông tiền tệ bằng cách thúc đẩy một "xã hội không tiền mặt." Theo những người trong cuộc, PBoC cũng lo ngại rằng Ant Group nếu trở nên quá bành trướng, trong trường hợp tài chính sụp đổ thì sẽ không thể cứu vãn được.

Các cơ quan quản lý cũng đã đưa ra lo ngại về các sản phẩm khác của Ant Group, bao gồm cả Huabei, đây là một dịch vụ tương tự như thẻ tín dụng ảo giúp thúc đẩy chi tiêu của người dùng. Sau khi ra mắt vào năm 2015, Huabei đã trở nên rất phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc.

Bài học kinh doanh đắt giá nhất của tỷ phú Jack Ma ảnh 2(Nguồn: Reuters)

Ant Group ban đầu sử dụng chứng khoán đảm bảo bằng tài sản để tài trợ cho các khoản vay của Huabei chứ không phải là sử dụng tiền gửi như ngân hàng. Do lo ngại về đòn bẩy quá cao trong hệ thống tài chính, cuối năm 2017, PBoC đã áp đặt giới hạn đối với khả năng của Ant Group và các tổ chức cho vay khác trong việc phát hành các công cụ nợ này để tài trợ cho các khoản vay.

Ant Group đã cố gắng hợp tác với ngân hàng để cung cấp tiền. Công ty này đã chuyển phần lớn rủi ro, nhưng không chia sẻ đầy đủ phương pháp đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay.

Điều này đã mang lại những rắc rối mới cho các cơ quan quản lý. Tính đến tháng 6/2020, dư nợ tín dụng của Huabei chiếm gần 1/5 số nợ ngắn hạn của các hộ gia đình Trung Quốc.

Bước ngoặt quan trọng

Tháng Tám năm ngoái, Ant Group lần đầu tiên tiết lộ dữ liệu tài chính chi tiết khi đệ trình bản cáo bạch IPO. Một số cơ quan quản lý cảm thấy trở tay không kịp khi nhìn thấy hoạt động kinh doanh cho vay của Ant Group đã phát triển với quy mô lớn như vậy. 

Các quan chức nhắc lại sự cần thiết phải quản lý các rủi ro tài chính tiềm ẩn. Theo tiết lộ của những người tham gia công tác giám sát quản lý, họ cũng không muốn thấy các tỷ phú và những nhân vật quan trọng khác đã đầu tư để Ant Group trở nên giàu có hơn.

Một số nhà đầu tư Trung Quốc cho rằng Ant Group đã rất ngạo mạn trong các buổi giới thiệu về công ty và trả lời những thắc mắc của nhà đầu tư (IPO RoadShow), yêu cầu các nhà đầu tư tiềm năng phải nộp báo cáo giới thiệu và hạn chế số người trong các cuộc gặp mặt với ban lãnh đạo công ty.

Ant Group đã thông báo vào tháng 10 năm ngoái rằng sẽ niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán Thượng Hải với mã chứng khoán là 688688. Tin tức này đã gây chấn động trên mạng xã hội bởi bộ mã số này nghĩa là con số rất may mắn trong văn hóa Trung Quốc.

Dư luận bên ngoài cho rằng Ant Group đã có được một chuỗi các con số "đáng ghen tị" như một biểu tượng cho sức mạnh của mình.

Tuy nhiên, vài giờ sau khi bài phát biểu hồi tháng 10 năm ngoái, các cơ quan quản lý quốc gia bắt đầu chỉnh lý báo cáo về các công ty của ông Jack Ma, bao gồm cả cách Ant Group sử dụng các sản phẩm tài chính kỹ thuật số để khuyến khích vay và tiêu dùng quá mức, từ đó đe dọa đến nền kinh tế Trung Quốc.

Đối mặt với thất bại của đợt IPO của Ant Group, vốn có thể là thành tựu cao nhất của ông, ông Jack Ma nói rằng trách nhiệm đó thuộc về ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục