Khoảng 1.500 người nhập cư đã tham gia cuộc bạo động ngày 24/11 tại trại tị nạn lớn nhất của Bulgaria, gây ra những vụ xô xát làm 14 cảnh sát bị thương và ít nhất 200 người nhập cư bị bắt giữ.
Những người nhập cư - chủ yếu đến từ Afghanistan, đã đốt lốp xe và ném đá vào 250 nhân viên cảnh sát, hiến binh và cứu hỏa tại trung tâm tiếp nhận Harmanli gần biên giới giữa Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối lệnh cấm mới được áp đặt về việc người nhập cư không được phép rời khỏi trại trong thời gian chờ kiểm tra y tế.
Cuối buổi sáng 24/11, tình hình đã được kiểm soát khi đại diện người nhập cư tham gia đối thoại với cơ quan tị nạn nhà nước của Bulgaria.
Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, căng thẳng bùng phát trở lại khiến cảnh sát phải dùng đến vòi rồng để đẩy lùi người tị nạn vào trong khu trại và cấm họ ra khỏi đây.
Trung tâm Harmanli hiện tiếp nhận hơn 3.000 người nhập cư.
Tháng 10 vừa qua cũng, tại khu trại này đã xảy ra một cuộc biểu tình khác của hàng trăm người nhập cư Afghanistan đòi được tiếp tục hành trình sang Tây Âu.
Nhờ một hàng rào dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria hầu như không phải chịu tác động của cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất từ năm 1945 đến nay mà Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt.
Tuy vậy vẫn có khoảng 13.000 người di cư, hầu hết là người Afghanistan, đang mắc kẹt tại quốc gia nghèo nhất EU này.
Mặc dù cái gọi là "Tuyến đường di cư Balkan" đã bị phong tỏa từ tháng Ba năm nay, người di cư vẫn tiếp tục băng qua khu vực này thành từng nhóm nhỏ.
Căng thẳng đang gia tăng mạnh nhất tại một nước láng giềng khác của Bulgaria là Hy Lạp, nơi có gần 66.000 người di cư đang mắc kẹt trong hành trình tìm đường sang các nước EU giàu có hơn.
Cũng trong ngày 24/11, những người nhập cư đã đốt trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp, sau khi một người phụ nữ và một trẻ em thiệt mạng trong vụ nổ bình gas lúc người phụ nữ này đang nấu ăn.
Ba trẻ em nhập cư khác trong cùng căn lều bị thương nặng trong vụ nổ. Trại Moria có sức chứa 3.500 người nhưng đang tiếp nhận đến hơn 5.000 người di cư.
Một phần của trại này cũng bị phá hoại nặng nề trong một vụ cháy khác xảy ra trong vụ bạo động ngày 19/9 vừa qua do người nhập cư tại đây gây ra.
Tuần trước, một nhóm phát xít mới tại Hy Lạp đã tấn công vào trại tị nạn trên đảo Chios ở miền Đông nước này, làm một số người di cư bị thương và hàng chục người khác mất chốn dung thân./.