Bão số 6 đã làm hai người chết, một người mất tích

Các địa phương phía Bắc đang gấp rút khắc phục những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do bão số 6 đã gây ra trong hơn hai ngày qua.
Trong hai ngày qua, hoàn lưu bão số 6 đã gây mưa to đến rất to ở các địa phương phía Bắc, gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Các địa phương đang gấp rút khắc phục những thiệt hại sau bão. Tại Phú Thọ, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 6, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to đến rất to khiến mực nước trên sông Thao lên nhanh. Tại trạm Ấm Thượng (huyện Hạ Hòa) mực nước là 24,50m (báo động I). Hiện thời tiết vẫn đang mưa nên mực nước sông sẽ tiếp tục dâng lên. Theo báo cáo nhanh của Ban Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ, mưa to, gió lớn đã làm một người bị thương; 62 nhà dân, nhà văn hóa, trạm y tế, trụ sở Ủy ban Nhân dân xã bị sập đổ, tốc mái; 70ha lúa và hoa màu bị ngập; 55 phai tạm, cọn nước bị hư hỏng… Ngay sau khi mưa to, gió lốc xảy ra, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh và các huyện, thành, thị đã tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiệt hại và sẵn sàng tổ chức ứng phó kịp thời khi tình huống xấu xảy ra. Những nhà bị tốc mái, các địa phương huy động lực lượng dân quân tự vệ tại địa phương kết hợp với những gia đình có nhà tốc mái khẩn trương dựng lại nhà, sớm ổn định cuộc sống của người dân. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Yên Lập đã tổ chức thăm hỏi hỗ trợ gia đình có nhà bị sập đổ 9 triệu đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên khai thác công trình thủy lợi đã vận hành các trạm bơm tiêu, đảm bảo tiêu úng kịp thời cho lúa và hoa màu. Do ảnh hưởng cơn bão số 6, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa to và rất to kèm theo gió cấp 5 cấp 6 làm tốc mái nhiều ngôi nhà và hư hại cơ sở vật chất, đường điện, giao thông. Các cấp chính quyền đang huy động lực lượng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân. Ông Hồ Xuân Thi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh cho biết cơn bão số 6 với sức gió lớn kèm mưa to đã làm tốc mái 7 ngôi nhà và lều của các gia đình ở xóm Vĩnh Long, Đậu Giang, Tiến Thành và làm ngập úng gần 200 ha lúa hè thu; đường giao thông liên thôn bị ngập và chia cắt. Chính quyền địa phương huy động lực lượng cùng với các chiến sỹ đồn biên phòng tại Kỳ Khang và nhân dân các thôn tiến hành lợp lại nhà cho 7 hộ dân có nhà bị tốc mái. Bên cạnh đó, chính quyền xã huy động lực lượng nạo vét hệ thông kênh mương nhằm tiêu úng, thoát lũ cho diện tích lúa, hoa màu bị ngập nước. Ước thiệt hại do cơn bão gây ra tại xã Kỳ Khang khoảng 400 triệu đồng. Huyện Kỳ Anh là địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chịu thiệt hại nặng nhất trong cơn bão số 6. Huyện đã chỉ đạo các đơn vị và nhân dân xã Kỳ Trinh kịp thời huy động nhân lực vật lực bảo vệ công trình đập Mộc Hương đang thi công do nước tràn về ngập thân đập và có nguy cơ bị vỡ. Ngoài ra, các xã Kỳ Thọ, Kỳ Thư, Kỳ Phú, Kỳ Khang huy động nhân dân nạo vét kênh mương, khơi thông luồng, lạch tiêu úng cho hàng trăm hécta lúa hè thu bị ngập úng. Cơn bão số 6 đã làm trên 1.000ha lúa Hè-Thu và hoa màu ở các huyện Kỳ Anh, Hương Khê, thành phố Hà Tĩnh bị ngập úng, 9 cột điện bị đỗ gãy, hàng trăm km đường giao thông nông thôn bị sạt lở. Các cấp chính quyền đang tập trung toàn bộ lực lượng cùng với nhân dân kịp thời khắc phục thiệt hại do bão số 6 gây ra. Cơn bão số 6 đổ bộ vào đất liền tỉnh Nam Định lúc 20 giờ ngày 7/8 đã làm khoảng 200 m kè biển khu vực bãi tắm Quất Lâm, huyện Giao Thủy bị sập, hàng chục ngôi nhà của dân bị tốc mái. Sáng 8/8, ngay sau khi cơn bão qua, các ngành chức năng của tỉnh đã khẩn trương tiến hành khắc phục hậu quả của cơn bão. Tại Hải Phòng, theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, hồi 12 giờ 30 phút ngày 7/8, tại khu vực Vịnh Cát Bà, tàu chở dầu HP 0501 trọng tải 100 tấn do ông Nguyễn Hoàng Sơn (1975, ở xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) làm thuyền trưởng đang trên đường chạy từ vịnh Cát Bà đi Trân Châu tránh bão thì bất ngờ bị hỏng máy trôi tự do. Thuyền trưởng phát tín hiệu cấp cứu khẩn cấp. Nhận được tin báo đồn Biên phòng Cát Bà đã điều động tàu BP 02-06-02 cùng 5 cán bộ ra hiện trường cứu nạn. Đến 15 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng cứu nạn của đồn Biên phòng Cát Bà đã phối hợp với thuyền trưởng đưa tàu bị nạn HP 0501 và toàn bộ 4 thuyền viên tàu vào bến Trân Châu an toàn. Theo Công an phường Vạn Hoa, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, đến 7 giờ ngày 8/8, các lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể cháu Phạm Thanh Sơn (sinh 1997, thường trú Đông Chính, Đằng Giang, Ngô Quyền, Hải Phòng) bị sóng cuốn trôi mất tích. Nơi phát hiện ra thi thể cháu Sơn ở khu vực Trung đoàn 295 (khu vực bãi 1), cách nơi xảy ra vụ việc gần 1km. Ngay khi tìm thấy, thi thể cháu Sơn đã được gia đình tiếp nhận và đưa về nhà mai táng. Trước đó, vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 7/8, tại bờ biển khu 1 trước khách sạn Hải Yến, quận Đồ Sơn, cháu Phạm Thanh Sơn đã cùng 3 người bạn khác đi 2 xe máy từ nội thành xuống bờ biển Đồ sơn để xem bão số 6. Sơn đã một mình chạy ra sát bờ biển ở địa chỉ trên thì bất ngờ bị sóng cuốn trôi xuống biển. Tại Lào Cai, từ tối 7 đến chiều 8/8, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, trên địa bàn Lào Cai có mưa, mưa rào trên diện rộng và rải rảc có giông. Mưa đều khắp, khiến các sông suối Lào Cai xuất hiện một đợt lũ mới biên độ trên 2,5m. Đặc biệt, trên suối Ngòi Đum, chảy qua thôn Luổng Giang, xã Cốc San, huyện Bát Xát (Lào Cai), xảy ra lũ quét đột ngột cuốn mất tích một người, đến chiều 8/8 vẫn chưa tìm thấy xác. Nạn nhân là anh Nguyễn Quang Tuấn (sinh năm 1961), cư trú tại tổ 10, phường Phố Mới, thành phố Lào Cai.
Bão số 6 đã làm hai người chết, một người mất tích ảnh 1
Lũ dâng cao ở Lào Cai nhưng xe khách vẫn liều lĩnh vượt qua (Nguồn: Lục Văn Toán/TTXVN)
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, cơn bão số 6 trực tiếp đổ bộ vào tỉnh Thanh Hóa tối 7/8 với lượng mưa lớn kèm theo gió mạnh đã làm 753 nhà dân ở các huyện ven biển bị tốc mái, hư hỏng, 14 nhà bị sập, gần 8.000 ha lúa, mía và rau màu bị ngã đổ, 2.500m2 hệ thống bờ bao, nuôi trồng thủy hải sản bị sạt, vỡ; hơn 1.000 ha nuôi ngao của người dân thuộc các xã ven biển có nguy cơ mất trắng...ước tính thiệt hại khoảng 167 tỷ đồng. Ngay sau khi cơn bão đi qua, sáng 8/8, tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các địa phương và nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão. Tỉnh Thái Bình đang khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 6. 20 giờ tối 7/8, bão số 6 đã ảnh hưởng trực tiếp tới các địa phương trong tỉnh, gây mưa to với lượng mưa xấp xỉ 100 mm kèm theo gió giật cấp 7, cấp 8, cấp 9. Nhiều tuyến đường ở thành phố Thái Bình bị ngập nước và hơn một chục cây xanh bị bật gốc, gãy cành. Tại huyện Tiền Hải, sóng biển dâng cao hơn 3 mét đã làm sạt một số bờ đầm nuôi trồng thủy, hải sản. Sáng 8/8, các đơn vị chức năng đang tiến hành mở cống để tiêu nước trên các hệ thống sông trục, thu dọn các cây bị gãy đổ... Theo đánh giá ban đầu, bão số 6 không gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Chiều 8/8, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, trong hai ngày 7 và 8/8 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có mưa to trên diện rộng làm một người thiệt mạng và nhiều tài sản bị hư hại. Cụ thể: Vào khoảng 16 giờ ngày 7/8, chị Vương Thị Thanh, sinh năm 1972, trú tại xóm Bờ La, xã Tân Kim, huyện Phú Bình đang trên đường sang xã Tân Khánh, huyện Phú Bình do giông lốc, cây đổ làm dây điện bị đứt và vướng vào người chị Thanh khiến chị tử vong tại chỗ. Trên địa bàn huyện Phú Bình có 2 điểm trường là Trường Trung học cơ sở Trần Phú, xã Điềm Thuỵ và Trường Trung học cơ sở Tân Hoà, xã Tân Hoà bị đổ tường bao, sập và tốc mái 5 phòng học; trên 200 mét kênh mương thuộc các xã Hà Châu, Bảo Lý, Tân Kim, Điềm Thuỵ bị sạt lở hoàn toàn. Hiện nay, chính quyền địa phương nơi chịu thiệt hại do bão số 6 đã tổ chức kiểm tra, huy động mọi phương tiện, nhân lực tại chỗ xử lý, khẩn trương khắc phục hậu quả của cơn bão. Trước mắt, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên yêu cầu chính quyền địa phương di dời ngay các hộ dân sinh sống trong khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao đến chỗ an toàn./.
(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục