‘Bắt tay’ nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ

Báo Điện tử VietnamPlus, Đại học Ngoại thương và Công ty IPCom sẽ bắt tay vào việc nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp.
‘Bắt tay’ nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ ảnh 1Cái bắt tay giữa "ba nhà": Cơ quan đào tạo, truyền thông và doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Báo Điện tử VietnamPlus thuộc Thông tấn xã Việt Nam, Đại học Ngoại thương và Công ty IPCom Việt Nam sẽ cùng bắt tay vào việc nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tại lễ Ký kết hợp tác diễn ra vào sáng 6/2 (nằm trong chương trình Hội thảo Đào tạo và Truyền thông về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ tại các trường đại học), bà Trần Thị Tám, Giám đốc IPCom - đơn vị chủ trì - cho hay, dự án này thuộc Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ.


[Gần 59.000 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp năm 2017]

Theo bà Tám, dự án này sẽ tuyên truyền sâu rộng về vai trò và sự gắn kết giữa đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, dự án sẽ tạo diễn đàn kết nối các chuyên gia và sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và ứng dụng vào thực tiễn…

“Dự án sẽ xây dựng hệ thống và sử dụng công cụ truyền thông xã hội, tạo sự tương tác, cung cấp thông tin cho những người tham gia cộng đồng, đưa hoạt động đổi mới sáng tạo và bảo vệ sở hữu trí tuệ trở thành một trong những công cụ phục vụ cho việc phát triển kinh tế bền vững,” bà Tám cho biết.

Cũng theo bà Tám, mô hình của dự án này có thể nhân rộng cho nhiều đối tượng của nhiều ngành, lĩnh vực nhằm tạo diễn đàn để tiếp nhận kiến thức, sự hỗ trợ trong xác lập và thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình; thúc đẩy gặp gỡ giữa các nhà nghiên cứu với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Dự kiến, trong vòng 2 năm (2018-2019), dự án này sẽ thực hiện báo cáo đánh giá năng lực về đổi mới sáng tạo và quản trị tài sản trí tuệ tại các trường đại học, start-up; tổ chức 12 hội thảo; truyền thông với nhiều hình thức như Rap ​News, Mega-Story, Infographics, Fanpage và bản tin điện tử định kỳ xuất bản hàng tháng gửi ít nhất 500 đơn vị/cá nhân có nhu cầu...

Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho hay, nhận thức về sở hữu trí tuệ cũng như nguồn nhân lực cao về lĩnh vực này ở Việt Nam còn thiếu.

Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đồng ý một số dự án liên quan tới đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ, trong đó có dự án nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ông Sơn tin tưởng khi các dự án này thực hiện thành công thì vấn đề nhân lực sở hữu trí tuệ sẽ đáp ứng được nhu cầu từ thực tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục