Bí ẩn hiện tượng 324 ngày liên tiếp nhiệt độ dưới 30 độ C tại Sydney

Bí ẩn về sự mất nhiệt của thành phố Sydney cũng giống như bí ẩn về tình trạng kỷ lục ẩm ướt năm 2022, các nhà khí tượng đang đi tìm câu trả lời khi phân tích các luồng gió ở Sydney.
Bí ẩn hiện tượng 324 ngày liên tiếp nhiệt độ dưới 30 độ C tại Sydney ảnh 1Nhà hát Opera ở Sydney, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sydney, Australia có thể đang dần mất đi vị thế là một địa điểm tắm nắng lý tưởng vào mùa Hè khi mà thành phố này đang sắp sửa phá bỏ một kỷ lục cũ vốn đã tồn tại 140 năm trước.

Trong một vài tuần nữa, nếu nhiệt độ vẫn tiếp tục ở mức dưới 30 độ C, thì đó sẽ là chuỗi ngày thành phố này đạt mức nhiệt độ dưới 30 độ C dài nhất kể từ năm 1883.

Đây là một điều bí ẩn mà các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu.

Lần gần đây nhất Sydney ghi nhận nhiệt độ ở mức trên 30 độ C là 324 ngày trước, vào ngày 21/2/2022. Kỷ lục dài nhất thuộc về thời điểm cuối những năm 1800, khi số ngày dưới 30 độ C kéo dài tới 339 ngày.

Theo Weatherzone, thời gian nhiệt độ ở mức trung bình kéo dài này có lẽ là do năm 2022, Sydney được ghi nhận là năm ẩm ướt nhất. Tình trạng ẩm ướt kỷ lục này cũng là một hiện tượng kỳ lạ mà các nhà khoa học chưa tìm được lời giải đáp.

[Sydney phá vỡ kỷ lục lượng mưa hàng năm trong 70 năm qua]

Thành phố đã ghi nhận lượng mưa 2.530mm vào năm ngoái, cao gấp đôi mức trung bình hàng năm. Yếu tố lượng mưa này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhiệt độ.

Năm ngoái trời cũng đặc biệt nhiều mây, khi thành phố chỉ có trung bình 6,5 giờ nắng mỗi ngày, khiến năm 2022 trở thành năm nhiều mây nhất kể từ 1992.

Các nhà khoa học cho rằng yếu tố gió thổi cũng là một phần chìa khóa cho vấn đề đau đầu này. Thường thì trong năm, loại gió phổ biến nhất ở Sydney là gió Tây. Tuy nhiên, trong năm 2022, gió Đông lại là loại gió phổ biến nhất.

Vào những tháng ấm áp, luồng không khí từ hướng Đông mát hơn từ hướng Tây, do nhiệt độ nước biển Tasman ở phía Đông luôn ở mức dưới 23 độ C, thấp hơn nhiều so với nhiệt độ 45 độ C mà lượng không khí trong mùa Hè của Australia có thể tạo nên.

Và ngay cả trong những ngày có gió Tây hoặc Bắc ấm áp thổi qua Sydney, những cơn gió biển thổi vào buổi chiều hoặc bầu trời nhiều mây vẫn đủ để giữ nhiệt độ dưới 30 độ C.

Tuy nhiên, Sydney vẫn còn hai tuần nữa để nhiệt độ lên mức trên 30 độ C, và triển vọng cho việc này có vẻ sáng sủa.

Chủ Nhật tuần này và thứ Ba tuần sau, nhiệt độ cao nhất được dự báo là 29 độ C, nên có khả năng nhiệt độ tại thành phố này sẽ chạm mức 30 độ C trở lên.

Nếu không có ngày nào nhiệt độ vượt quá 29 độ C, Sydney sẽ, Sydney sẽ ghi nhận số ngày có nhiệt độ dưới 30 độ C dài thứ hai trong vòng 140 năm qua.

Còn nếu như thành phố này vượt qua ngày 28/1 mà vẫn dưới 30 độ C, nó sẽ lập một kỷ lục mới.

Tuy nhiên, kỷ lục này chỉ áp dụng cho thành phố Sydney chứ không phải là các vùng ngoại ô của nó như Penrith, nơi nhiệt độ đạt mức 30 độ C tới năm lần vào năm 2023.

Penrith cũng được cho là sẽ có nhiệt độ cao nhất là 30 độ C trong vòng 6 ngày tới.

Ngày thứ Sáu và thứ Bảy tới, nhiệt độ Sydney dự báo chỉ đạt tối đa là 28 độ C do trời nhiều mây, có thể có mưa rào.

Ngày Chủ Nhật thời tiết sẽ quang đãng, có nắng, với nhiệt độ dự báo là 29 độ C, trước khi có mây trở lại vào thứ Hai với nhiệt độ cao nhất 28 độ C.

Nhiệt độ ngày thứ Ba được dự báo là 29 độ C. Và ngày thứ Tư sẽ là ngày đầu tiên trong năm, nhiệt độ được dự báo là 31 độ C.

Tuy nhiên, Sydney vẫn chưa có ngày nào được Cục Khí tượng phân loại chính thức là "nóng" trong vòng hơn một năm qua. Theo phân loại của Cục Khí tượng, thời tiết chỉ được coi là nóng khi nhiệt độ ở mức từ 32 độ C trở lên.

Thậm chí, năm 2021, thành phố Sydney còn phải trải qua đợt lạnh kỷ lục trong vòng 37 năm qua. Nhiệt độ cao nhất ghi nhận tại đây trong ngày 10/6/2021 chỉ là 10,3 độ C - mức nhiệt thấp nhất tại thành phố này trong 37 năm qua.

Theo Cơ quan khí tượng Australia, lần gần nhất thành phố Sydney trải qua nhiệt độ lạnh giá như vậy là vào ngày 3/7/1984, khi mức nhiệt chỉ là 9,6 độ C.

Australia nằm ở tuyến đầu của biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học cảnh báo lũ lụt, cháy rừng, lốc xoáy và hạn hán đang trở nên thường xuyên hơn và mạnh hơn trong bối cảnh Trái Đất ấm lên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục