Bình Dương: Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gần 97.000 lao động

Những doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động hầu hết là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài ở các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử với mức thu nhập bình quân từ 7-9 triệu đồng/người/tháng.
(Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, hiện nay Trung tâm đã tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp với tổng số gần 97.000 lao động.

Trong đó, 69.143 lao động phổ thông, chiếm 71,3%; còn lại 27.732 lao động chuyên môn và lao động kỹ thuật, chiếm 28,7%.

Ngành nghề tuyển dụng của các doanh nghiệp tham gia giao dịch lần này chủ yếu là các ngành dịch vụ vận tải, gỗ, xây dựng, văn phòng, bảo hiểm, điện tử, viễn thông, may, giày dép, bảo vệ, cơ khí, chế biến thực phẩm, sản xuất các sản phẩm nông sản, phân phối hàng tiêu dùng, kinh doanh địa ốc, bán hàng và các ngành dịch vụ khác.

Những doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động hầu hết là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài ở các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử với mức thu nhập bình quân từ 7-9 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh lương còn nhiều chế độ phụ cấp, thưởng được các doanh nghiệp đưa ra để thu hút người lao động.

Tuy nhiên, do tuyển dụng số lượng lao động lớn nên nguồn cung ở Bình Dương chưa đáp ứng kịp.

[Hoàn thành tốt hơn mục tiêu bảo đảm việc làm, đời sống người lao động]

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho biết trong các sàn giao dịch việc làm, xu thế doanh nghiệp lựa chọn lao động có trình độ trung cấp nghề và lao động biết ngoại ngữ tiếng Hoa, Anh, Nhật ngày càng tăng.

Vì vậy, Trung tâm đã liên kết với các tỉnh cung cấp nguồn lao động đã đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc trở về, để Trung tâm thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đồng thời tiếp cận nguồn lao động du học nước ngoài về làm việc tại Bình Dương.

Để mở rộng địa bàn thu hút lao động cung ứng cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho người lao động thất nghiệp tiếp cận được thông tin về học nghề, lao động-việc làm cũng như cơ hội tuyển dụng phù hợp khả năng bản thân; góp phần điều tiết cân bằng cung-cầu lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương vẫn tiếp tục tiến hành liên kết với các tỉnh và kết hợp với Cục Việc làm thực hiện Sàn Giao dịch việc làm online.

Ngoài nguồn lao động tự do, lao động từ các tỉnh, bảo hiểm thất nghiệp, địa phương, các trường cao đẳng, đại học, cơ sở nghề, Trung tâm còn thu thập cả lao động nông thôn đang giảng dạy, lao động là bộ đội xuất ngũ...

Ngoài ra, Trung tâm cũng hỗ trợ tối đa doanh nghiệp quảng bá thông tin tuyển dụng đến người tìm việc bằng nhiều kênh, qua mạng xã hội; tăng cường cán bộ làm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; thông báo tuyển dụng lao động tại các nơi công cộng; thuê lao động từ các doanh nghiệp cung ứng lao động hoặc các địa phương liên kết với trung tâm…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục