Bộ Công Thương gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm phân bón

Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ Công Thương xác định việc gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP, MAP nhập khẩu là cần thiết để tiếp tục ngăn chặn thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Bộ Công Thương gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm phân bón ảnh 1Sản phẩm phân đạm. (Ảnh minh họa: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 715/QĐ-BCT về việc gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP.

Hai sản phẩm phân bón nhập khẩu trên có mã HS: 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.30.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.00.

Cụ thể các mức thuế áp dụng như sau: từ 7/3/2020-6/3/2021 mức thuế tự vệ là 1.050.662 đồng/tấn; từ 7/3/2021-6/3/2022 là 1.029.219 đồng/tấn; từ 7/3/2022-6/9/2022 là 1.007.778 đồng/tấn; từ 7/9/2022 trở đi 0 đồng/tấn.

[Thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ]

Theo Hiệp định Tự vệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), biện pháp tự vệ có thể được gia hạn nếu cơ quan điều tra xác định việc gia hạn là cần thiết để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước và ngành sản xuất trong nước đang có những điều chỉnh theo kế hoạch.

Căn cứ quy định của Luật Quản lý ngoại thương, sau khi có yêu cầu rà soát của ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát và đánh giá tác động của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành sản xuất trong nước, những điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước kể từ khi biện pháp tự vệ được áp dụng, khả năng ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng nếu chấm dứt việc áp dụng biện pháp tự vệ, tác động của thuế tự vệ đối với các ngành liên quan.

Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ Công Thương xác định việc gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP, MAP nhập khẩu là cần thiết để tiếp tục ngăn chặn thiệt hại của ngành sản xuất trong nước; đồng thời, qua đây cũng nhằm đảm bảo hiệu quả của biện pháp, giúp ngành sản xuất trong nước có thêm thời gian cần thiết để điều chỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục