Bộ ngoại giao Nga tuyên bố không can thiệp chuyện nội bộ của Armenia

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko khẳng định Moskva mong muốn Armenia trở lại bình thường càng sớm càng tốt và bày tỏ hy vọng tình hình ở Nagorno-Karabakh sẽ không leo thang căng thẳng.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan (giữa) tuần hành cùng những người ủng hộ tại thủ đô Yerevan ngày 25/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan (giữa) tuần hành cùng những người ủng hộ tại thủ đô Yerevan ngày 25/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Nga, ngày 10/3, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình khủng hoảng hiện nay tại Armenia, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Andrei Rudenko nhấn mạnh tình hình ở Armenia là vấn đề nội bộ của đất nước này và Moskva mong muốn tình hình sớm ổn định trở lại.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói: "Chúng tôi coi đây là chuyện nội bộ của Armenia. Chúng tôi không can thiệp vào những quá trình đang diễn ra ở đó và cũng không đứng về phía nào."

Nhà ngoại giao khẳng định Nga mong muốn tình hình trở lại bình thường càng sớm càng tốt và bày tỏ hy vọng tình hình ở Nagorno-Karabakh sẽ không leo thang căng thẳng.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Armenia Vagharshak Harutyunyan.

[Thủ tướng Armenia đề xuất trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp]

Theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Nga, hai bộ trưởng đã thảo luận về hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự song phương, tình hình tại các khu vực mà lực lượng hòa bình Nga đang đóng quân ở Nagorno-Karabakh.

Thông cáo cũng nhấn mạnh hai bộ trưởng thảo luận các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm, nhưng không nêu chi tiết.

Về tình hình tại Armenia, cũng trong ngày 10/3, Thủ tướng Nikol Pashinyan thông báo ông đã tham dự cuộc họp với ban lãnh đạo lực lượng vũ trang Armenia, bao gồm các tướng lĩnh trước đó đã yêu cầu ông từ chức.

Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Quốc phòng Vagharshak Harutyunyan thông báo đã đề nghị lên Tổng thống Armenia về việc bổ nhiệm Trung tướng Artak Davtyan giữ chức Tổng tham mưu trưởng thay cho Tướng Onik Gasparyan.

Ngoài ra, Tướng Stepan Galstyan được đề nghị bổ nhiệm làm Phó Tổng tham mưu trưởng và các sỹ quan cấp cao khác cũng được giới thiệu bổ nhiệm trong đợt này.

Trung tướng Artak Davtyan từng giữ chức vụ Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Armenia giai đoạn 2018-6/2020.

Theo Hiến pháp Armenia, Tổng tham mưu trưởng là người có thực quyền chỉ huy, điều hành quân đội.

Trong một động thái nhằm làm giảm căng thẳng, Tổng thống Armenia Armen Sarkissyan đã mời Thủ tướng Pashinyan, các nhà lãnh đạo của các phe phái trong quốc hội và đại diện của Phong trào Cứu quốc đối lập tổ chức một cuộc gặp vào ngày 13/3 để thảo luận về cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ hiện nay.

Tổng thống Armenia cũng nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng chính trị đang tiếp diễn ở nước này có thể gây ra “những hậu quả khó lường, không thể đảo ngược” đối với nhà nước Armenia.

Theo ông, có rất nhiều vấn đề đang đặt ra với đất nước đòi hỏi phải thay đổi hệ thống khẩn cấp, bao gồm cả Hiến pháp và luật pháp.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Armenia bắt đầu sau khi kết thúc chiến sự ở Nagorno-Karabakh và bước vào giai đoạn trầm trọng hơn vào ngày 25/2/2021 sau khi Tổng tham mưu trưởng Onik Gasparyan và khoảng 40 sỹ quan cấp cao của quân đội tuyên bố Thủ tướng Pashinyan và chính phủ của ông cần phải từ chức.

Đáp lại, Thủ tướng Pashinyan coi đây là một âm mưu đảo chính quân sự và đã hai lần gửi đơn yêu cầu Tổng thống Sarkissyan cách chức Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Armenia Gasparyan.

Tuy nhiên, Tổng thống Armenia đã không ký vào dự thảo sắc lệnh về việc miễn nhiệm Tướng Gasparyan trong khung thời gian do luật quy định, nhưng ông cũng không phản đối kiến nghị của Thủ tướng Pashinyan về việc sa thải Tướng Gasparyan tại Tòa án Hiến pháp.

Thay vào đó, Tổng thống Sargsyan đã gửi một đạo luật tới Tòa án Hiến pháp, theo đó cho phép thủ tướng có quyền đề xuất cách chức Tổng tham mưu trưởng mà không cần trình bày những lý do cụ thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục