Bộ TN-MT đánh giá cao việc đầu tư Nhà máy điện rác Nam Sơn

Hà Nội đang đầu tư nhà máy đốt phát điện ngay tại Nam Sơn với công suất 4.000 tấn rác/ngày đêm. Đây là giải pháp cấp bách được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm rác thải hiện nay.
Bộ TN-MT đánh giá cao việc đầu tư Nhà máy điện rác Nam Sơn ảnh 1Một phần khu vực lò đốt rác của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ. (Ảnh minh họa. Nguồn: Thanh Liêm/TTXVN)

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí về hướng xử lý rác thải rắn, rác thải sinh hoạt sau vụ việc người dân sống gần bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội), đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng giải pháp căn cơ là đầu tư nhà máy đốt phát điện, bởi hiện khoảng 71% rác thải vẫn đang phải chôn lấp.

Thông tin thêm tại cuộc họp báo diễn ra ngày 20/7, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Môi trường cho biết liên quan đến việc người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn vừa qua, Hà Nội đã xử lý rất tốt khi yêu cầu cơ quan chuyên môn nhanh chóng tìm bãi rác tạm thời, tránh tình trạng ùn ứ quá nhiều trong nội đô.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Vì thế, Hà Nội đang đầu tư nhà máy đốt phát điện ngay tại Nam Sơn với công suất 4.000 tấn rác/ngày đêm. "Thời gian nữa, nếu xây dựng hoàn thiện và được đưa vào sử dụng, chắc chắn vấn đề ô nhiễm rác sẽ được giải quyết," ông Thức nhấn mạnh.

Nhìn rộng ra cả nước, ông Thức cho rằng việc xử lý rác thải rắn, rác thải sinh hoạt tại các địa phương hiện nay vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Thứ nhất là do việc bất hợp lý ở các tỉnh trong việc quy hoạch các bãi rác. Theo yêu cầu, bãi rác phải cách khu vực người dân sinh sống khoảng 500m, nhưng có nhiều khu vực, bãi rác làm ảnh hưởng đến người dân và gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, công nghệ xử lý rác hiện vẫn chưa phù hợp. Theo ông Thức, qua tổng rà soát cho thấy hiện nay có khoảng 71% là rác thải chôn lấp, 13% sử dụng phương pháp đốt phát điện, còn lại là đổ thải.

Nguyên nhân tiếp theo là nguồn lực, đây là bài toán cần phải bàn kỹ, bởi việc thu gom rác thải từ nguồn đến nơi xử lý là một câu chuyện dài.

Bộ TN-MT đánh giá cao việc đầu tư Nhà máy điện rác Nam Sơn ảnh 2Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ tại buổi họp báo. (Ảnh: HV./Vietnam+)

“Trước kia chúng ta đã thí điểm một vài tỉnh bằng cách phân loại rác tại nguồn, nhưng chưa thành công. Lý do là không có sự đồng bộ từ các khâu nên không hiệu quả. Ví như người dân đã phân loại rác, nhưng khi khâu thu gom rác đến bãi lại đổ lẫn với nhau. Như vậy kết quả cũng bằng hòa,” ông Thức dẫn chứng.

[Yêu cầu xử lý tình trạng rò rỉ nước phát tán mùi tại bãi rác Nam Sơn]

Chính vì thế, ông Thức cho biết nhiều địa phương đang tham mưu với các cơ quan về giải pháp cấp bách xử lý về rác thải rắn, rác thải sinh hoạt. Theo đó, với đô thị lớn, có lượng rác sinh hoạt phát sinh nhiều nên khuyến khích phương pháp đốt phát điện.

“Hiện một số tỉnh đã có cơ chế đột phá bởi lĩnh vực xử lý rác thải là lĩnh vực có tiềm năng, cần khuyến khích và tìm cơ hội cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư,” ông Thức nói. 

Trước đó, vào tối 13/7, người dân 3 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã căng lều bạt ngăn xe rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, khiến rác thải tại các quận nội thành ùn ứ, bốc mùi hôi thối nghiêm trọng.

Đến chiều 17/7, sau cuộc đối thoại với lãnh đạo thành phố về chính sách di dời trong chỉ giới 0m-500m tính từ phạm vi tường rào của bãi rác Nam Sơn và mức đền bù, người dân 3 xã trên đã dỡ lều bạt, ngừng chặn xe chở rác vào bãi rác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục