Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Từng bước để du lịch có thể đi 'hai chân'

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu bốn giải pháp cho du lịch giai đoạn mới

Tân Bộ trưởng cho biết để giúp du lịch gượng dậy sau chuỗi khó khăn từ ảnh hưởng của COVID-19, toàn ngành đang tập trung xây dựng 4 nhóm giải pháp giúp nền kinh tế xanh sớm phục hồi và phát triển.
Tân Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Tân Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, tân Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định rất rõ mục tiêu và giải pháp cho ngành kinh tế không khói Việt Nam sớm vượt “bão COVID-19.”

Bộ trưởng cho rằng thị trường nội địa chính là một “trận địa” quan trọng mà toàn ngành cần phải tập trung khai thác trong giai đoạn “bình thường mới.”

Nguồn lực nào hỗ trợ doanh nghiệp?

- Thưa Bộ trưởng, ngành du lịch Việt Nam đã xác định tập trung vào thị trường nội địa trong thời gian tới. Vậy theo ông, để tạo được sức mạnh chung cần chiến lược tổng thể thế nào trong việc khai thác thị trường tiềm năng này?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam được Chính phủ ban hành năm 2020 đã khẳng định rất rõ chiến lược phát triển du lịch nội địa. Trong đó có nêu phải ưu tiên tổ chức tốt tour, tuyến đến các vùng địa danh lịch sử, văn hóa Việt Nam.

[Thị trường nội địa 2021: “Xoay trục” để khôi phục nền kinh tế xanh]

Nhằm thực hiện chủ trương trên, thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam. Đặc biệt, sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đã tính toán chuyển hướng và khai thác đối tượng khách hàng tiềm năng trong bối cảnh mới và hiện đang thực hiện nội dung này theo chỉ đạo của bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu bốn giải pháp cho du lịch giai đoạn mới ảnh 1Du khách Việt thăm quan di tích lịch sử ở Ninh Bình. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Có một số hướng tiếp cận, thứ nhất là các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở lưu trú và cung ứng dịch vụ du lịch đang tái cấu trúc lại bộ máy hoạt động, chuyển từ đón các đoàn khách lớn, làm các tour/tuyến lớn sang tiếp cận các nhóm khách gia đình nhỏ, an toàn.

Thứ hai là xây dựng các sản phẩm du lịch dựa trên các di tích lịch sử, danh thắng, văn hóa bản địa của các vùng miền và tăng cường công tác tuyên truyền, quảng cáo để đưa sản phẩm du lịch tiếp cận gần hơn với người dân.

Trước mắt ngành du lịch cần tập trung theo hai hướng này. Tuy nhiên, dù là du lịch quy mô nhỏ nhưng không được chủ quan với công tác phòng chống dịch bệnh, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng có thể xảy ra một lần nữa, ảnh hưởng đến nền kinh tế chung của xã hội.

- Doanh nghiệp du lịch hiện vô cùng khó khăn sau những “cú đánh” liên tiếp của COVID-19, vậy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị những giải pháp như thế nào lên Chính phủ nhằm có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có thêm sức khỏe “vượt bão” và bước vào giai đoạn mới của ngành du lịch là tập trung khai thác thị trường nội địa, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch nghiên cứu, xem xét để trình với Chính phủ chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sẽ chỉ tập trung được về vấn đề cơ chế, còn thực tế nguồn lực của Nhà nước cũng rất khó có ngay để hỗ trợ cho các hoạt động của doanh nghiệp du lịch. Vì vậy, Chính phủ đang nghiên cứu phương án hỗ trợ theo hướng miễn, giảm thuế sử dụng đất và miễn, giảm tiền điện.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu bốn giải pháp cho du lịch giai đoạn mới ảnh 2Một góc chùa Bái Đính nhìn từ trên cao. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Còn những chính sách về lâu dài, bộ cần phải lắng nghe từ phía cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan thẩm định của Nhà nước để trình Chính phủ có một chính sách căn cơ và cân đối chung giữa các nhóm ngành kinh tế khác.

Giải pháp trọng tâm trong bối cảnh “bình thường mới”

- Năm 2020 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều chiến dịch kích cầu nội địa như Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, Du lịch Việt Nam an toàn-hấp dẫn… Vậy trong bối cảnh “bình thường mới” năm 2021, theo Bộ trưởng ngành du lịch có nên tiếp tục những chiến dịch như vậy? Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các chương trình kích cầu đó?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Những chiến dịch này đã cho thấy bước đầu đáp ứng được nhu cầu người dân, góp phần tăng trưởng du lịch nội địa. Tôi nghĩ rằng những mô hình chiến dịch đó đã và đang phát huy hiệu quả thì cần tiếp tục củng cố và nhân lên, bởi thực tế mới chỉ triển khai thí điểm ở một số địa phương.

Để phục hồi và phát triển du lịch chúng ta phải đi đều bằng “hai chân,” đó là tập trung đón khách quốc tế và ưu tiên phát triển du lịch nội địa. Chỉ khi nào đứng vững được bằng “hai chân” này du lịch mới phát triển ổn định.

Thời gian qua, do phát triển “nóng” nên chúng ta đang chú ý khai thác lượng khách quốc tế mà chưa quan tâm nhiều đến du lịch nội địa. Tác động của đại dịch COVID-19 buộc toàn ngành và cộng đồng doanh nghiệp phải nhìn nhận lại thị trường còn bỏ ngỏ này, để thấy rằng du lịch nội địa là một hướng đi căn cơ và là trụ đỡ cho phát triển du lịch bền vững.

Do đó, bộ đã đề nghị các doanh nghiệp phải tái cấu trúc, chuyển hướng tiếp cận, thay vì tập trung vào khách quốc tế, nay tập trung xây dựng kế hoạch đón khách trong nước; chuyển từ phong cách phục vụ khách ngoại sang phục vụ khách nội. Như vậy, khách Việt sẽ được thừa hưởng và trải nghiệm sản phẩm có giá trị cao vốn dành cho khách quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu bốn giải pháp cho du lịch giai đoạn mới ảnh 3Du khách đến chùa Tam Chúc. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Như số liệu chúng tôi nắm được, dịp nghỉ lễ 30/4 này, các hãng hàng không đã bán được hết vé đi nhiều điểm đến trên cả nước… Qua đó để thấy nhu cầu du lịch nội địa của người dân đang khá cao. Vấn đề là chúng ta cần tạo ra được sản phẩm đặc sắc, chú ý tiếp thị và rút kinh nghiệm từ gói kích cầu trước để đạt hiệu quả cao và bền vững.

- Vậy để xây dựng du lịch Việt Nam vững mạnh trong bối cảnh mới, theo Bộ trưởng cần tập trung vào những giải pháp gì?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Có thể nói ngành du lịch đang phải chịu nhiều khó khăn. Nếu như trước đây du lịch đóng góp vào ngân sách 10% GDP cả nước, thì từ năm 2020 đến quý 1/2021, nguồn thu từ toàn ngành giảm rất sâu; Quý 1 vừa qua, khách du lịch nội địa chỉ đạt gần 18 triệu lượt, giảm tới 50% so với cùng kỳ năm trước...

Từ đó để thấy, ngành du lịch đang phải đối mặt với những khó khăn bởi COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, Việt Nam vẫn chưa thể mở cửa thị trường quốc tế do chưa có được các biện pháp đảm bảo an toàn nhất trước dịch bệnh.

Chúng tôi cho rằng nhiệm vụ quản lý Nhà nước là phải xây dựng kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021-2026 trong điều kiện bình thường mới và với các nhóm giải pháp mà chúng tôi đang tập trung xây dựng.

Đầu tiên, các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là lữ hành cần sớm cơ cấu lại, có giải pháp để quản lý về nhân lực, nguồn lực; thứ hai là nghiên cứu lại thị trường nội địa, cơ cấu lại thị trường khách để điều tiết thị trường, xây dựng sản phẩm đúng với nhu cầu và chiến lược phải được tính toán lâu dài cho vấn đề phát triển thị trường du lịch nội địa.

Thứ ba, liên kết du lịch phải dựa trên những sản phẩm du lịch có tính đặc biệt, đặc trưng, có tính thu hút cao và tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu sản phẩm, kết nối các giá trị và lan tỏa những giá trị của sản phẩm để khơi lên nhu cầu du lịch của du khách; thứ tư là gắn du lịch, sản phẩm du lịch với yếu văn hóa.

- Vâng, xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Bộ trưởng!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục