Ban hành kế hoạch phục hồi du lịch giai đoạn cuối năm 2021 và 2022

Bộ VHTTDL ban hành kế hoạch phục hồi du lịch giai đoạn mới

Theo kế hoạch vừa ban hành, sau thí điểm Phú Quốc, lần lượt các địa phương khác là Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)... sẽ được đón khách quốc tế.
Bộ VHTTDL ban hành kế hoạch phục hồi du lịch giai đoạn mới

Hôm nay (ngày 8/9), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành kế hoạch triển khai chính sách, biện pháp để kích cầu, phục hồi các hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Có lẽ, đây là điều mà các doanh nghiệp, các địa phương trên cả nước… đang mong ngóng thời gian qua để có cơ sở, định hướng triển khai các kế hoạch phục hồi nền kinh tế xanh.

[Hậu giãn cách: Du lịch số hóa ‘lộ trình thông hành’ sẵn sàng đón khách]

Theo đó, ngành du lịch sẽ thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang), từ đó chuẩn bị từng bước mở rộng sang các điểm đến khác trên toàn quốc như: Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...

Theo kế hoạch do Thứ trưởng Đoàn Văn Việt ký ban hành, để đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch khi “mở biên,” sẽ ưu tiên thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, nhân lực tham gia cung ứng dịch vụ tại các trung tâm du lịch, từng bước mở rộng cả nước;

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch, nâng cao năng lực y tế phòng, chống COVID-19, tổ chức thực hiện tốt quy định 5K của Bộ Y tế; tạo điều kiện thuận lợi cho khách nội địa và khách quốc tế có chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19, phù hợp với hệ thống công nhận quốc tế.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch với các thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” “Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn;” định hướng truyền thông giới thiệu, mở cửa điểm đến, quy trình du lịch an toàn, chính sách mới liên quan đến xuất nhập cảnh; cập nhật thông tin các chương trình du lịch mới, có ưu đãi; đa dạng các kênh truyền thông như qua các trang web, mạng xã hội, các sự kiện du lịch trực tuyến…

Bộ khuyến khích doanh nghiệp du lịch xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với các ưu đãi và cam kết về chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối lại thị trường cả trực tuyến và trực tiếp; tiếp cận thị trường, xúc tiến bán sản phẩm; triển khai quy hoạch hệ thống du lịch, định hướng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch bền vững, du lịch an toàn, du lịch gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe;

Hỗ trợ đầu tư sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường như: sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe; khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ cho nhau; làm mới, bổ sung giá trị gia tăng cho các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ.

Clip Tổng cục Du lịch chuẩn bị sẵn sàng hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 theo tiêu chuẩn châu Âu:

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định sẽ đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; hình thành hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch; hỗ trợ nâng cấp ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn,” hệ thống đăng ký và khai báo an toàn www.safe.tourism.com.vn, xây dựng hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vaccine www.travelpass.tourism.vn để phục vụ khách quốc tế khi điều kiện cho phép…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục