Bốn vấn đề quan trọng từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung

Lãnh đạo hai siêu cường đã có một cuộc thảo luận "thẳng thắn, mang tính xây dựng" kéo dài 3 giờ đồng hồ với mục tiêu tránh xung đột giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Bốn vấn đề quan trọng từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến, Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 16/11/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo các hãng tin AFP và BBC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến hôm 16/11 nhằm ổn định mối quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng vì vấn đề Đài Loan, nhân quyền và cạnh tranh kinh tế, chính trị.

Sau màn chào hỏi thân mật, lãnh đạo hai siêu cường đối địch đã có một cuộc thảo luận "thẳng thắn, mang tính xây dựng" (theo miêu tả của Bắc Kinh) kéo dài 3 giờ đồng hồ với mục tiêu rộng hơn là tránh xung đột giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Dưới đây là bốn vấn đề chính hai nhà lãnh đạo này đã (và không) thảo luận:

Đài Loan

Theo các quan chức Mỹ, chủ đề của "cuộc thảo luận mở rộng" là Đài Loan - một hòn đảo dân chủ tự trị mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và hiện thường xuyên phải sống dưới mối đe dọa bị người láng giềng lớn hơn và hiếu chiến hơn xâm lược.

Ông Biden cho biết Mỹ "cực lực phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan," ám chỉ việc Trung Quốc tăng cường phô trương sức mạnh quân sự và đe dọa bằng lời nói. Nhà Trắng cũng nhắc lại chính sách lâu nay của Mỹ là không công nhận nền độc lập của Đài Loan nhưng ủng hộ việc bảo vệ hòn đảo này.

Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình đã chỉ trích những nỗ lực của Đài Loan nhằm thu hút sự ủng hộ của các chính trị gia Mỹ và so sánh việc khuyến khích Đài Loan độc lập giống như "đùa với lửa."

Theo Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cho rằng những căng thẳng gần đây là do “các nỗ lực lặp đi lặp lại của chính quyền Đài Loan nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ cho vấn đề độc lập của họ cũng như ý định của một số người Mỹ sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc.”

Thời báo này viết: “Những hành động như vậy là cực kỳ nguy hiểm, giống như đùa với lửa. Bất kể ai chơi với lửa đều sẽ bị bỏng.” Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng công khai đe dọa: "Nếu các lực lượng ly khai ủng hộ 'Đài Loan độc lập' khiêu khích chúng tôi, ép buộc chúng tôi hoặc thậm chí vượt qua ranh giới đỏ, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc triển khai các biện pháp kiên quyết."

[Nga chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Putin và Biden]

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 16/11 nhắc lại rằng nước này "không có chỗ cho sự thỏa hiệp" về vấn đề Đài Loan. Điều đó có nghĩa là không có giải pháp nào cho vấn đề hóc búa nhất giữa hai siêu cường đối địch.

Shi Yinhong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Nhân dân và cũng là một cố vấn của chính phủ, cho rằng lập trường cơ bản của cả hai bên về vấn đề Đài Loan "vẫn còn xung đột nghiêm trọng." Ông nói thêm: "Nhưng cuộc gặp thượng đỉnh này đã củng cố hơn nữa nhận thức của cả hai bên về việc ngăn chặn xung đột quân sự liên quan tới vấn đề Đài Loan."

Nhân quyền

Những nhà hoạt động nhân quyền đã hy vọng Mỹ sẽ chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương - nơi Bắc Kinh bị cáo buộc là đã phạm tội diệt chủng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ - cùng với Tây Tạng và Hong Kong.

Tổng thống Biden đã bày tỏ "quan ngại" về những vấn đề này cũng như các câu hỏi lớn hơn về nhân quyền, tuy nhiên thông tin chính thức từ phía Mỹ về các cuộc đàm phán không cho biết thêm chi tiết.

Các nhà hoạt động nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ đang kêu gọi tẩy chay ngoại giao Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh diễn ra vào tháng 2/2022 để đáp trả các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các thông tin chính thức về cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến vừa qua, không có nhà lãnh đạo nào đề cập đến Thế vận hội sắp tới.

Thay vào đó, hai nhà lãnh đạo dành nhiều thời gian hơn để thảo luận về Đài Loan ngoài vấn đề quan hệ Mỹ-Trung, các vấn đề an ninh khu vực, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và đại dịch COVID-19. Ông Tập Cận Bình phát biểu: "Chúng tôi không tán thành việc can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác thông qua vấn đề nhân quyền."

"Cạnh tranh" chứ không phải "xung đột"

Chủ đề xuyên suốt của cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến Tập Cận Bình-Biden là cần phải tránh cạnh tranh biến thành xung đột. Phát biểu với nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Biden cho biết với tư cách là các nhà lãnh đạo, họ có "trách nhiệm... đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa hai nước không trở thành xung đột, cho dù có chủ ý hay vô ý." Ông nói: “Chúng ta cần thiết lập một số hành lang an toàn theo quan điểm chung"; và nói thêm rằng Mỹ hướng tới “sự cạnh tranh đơn giản, thẳng thắn.”

Ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải "ngăn chặn mối quan hệ Trung-Mỹ đi chệch hướng." Nhà lãnh đạo Trung Quốc phát biểu: "Không xung đột và không đối đầu là điểm mấu chốt mà cả hai bên phải tuân thủ." Ông cũng nói thêm rằng ông hy vọng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc có thể trở lại "hướng đi hợp lý và thực tế." Ông Tập Cận Bình còn bày tỏ mong muốn giữ liên lạc với Tổng thống Biden và nhấn mạnh hai bên có nhiều lĩnh vực tiềm năng cho hợp tác song phương.

Theo nhà nghiên cứu Shi Yinhong, "căng thẳng ở mức cao giữa hai nước chưa giảm leo thang đáng kể" mặc dù đã có các cuộc đối thoại mới. Ông nói thêm: "Cạnh tranh là hàm ý chính (của Biden), nhưng không biến thành xung đột công khai. Điều này giúp ngăn cản chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng cho phép Mỹ cạnh tranh hơn nữa với Trung Quốc trong mọi lĩnh vực."

Thương mại và công nghệ

Trung Quốc và Mỹ đã tăng cường cạnh tranh thương mại và công nghệ kể từ thời chính quyền Donald Trump, với việc áp thuế lên số hàng hóa trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc và các công ty công nghệ cao của Trung Quốc bị đưa vào "danh sách đen" không được tiếp cận các nguồn cung của Mỹ.

Biden, người đã duy trì nhiều mức thuế quan được áp đặt từ thời Trump, nhấn mạnh đến "nhu cầu bảo vệ người lao động và các ngành công nghiệp Mỹ trước các hành vi kinh tế và thương mại không công bằng của Trung Quốc." Ông Tập Cận Bình đáp trả mạnh mẽ về vấn đề này khi nói với ông Biden rằng Mỹ cần ngừng “lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia để đàn áp các công ty Trung Quốc.”

Bốn vấn đề quan trọng từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung ảnh 2Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung theo hình thức trực tuyến tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 16/11/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các nhà chức trách Mỹ từ lâu đã phàn nàn rằng các khoản trợ cấp khổng lồ của Bắc Kinh dành cho các doanh nghiệp nhà nước, luật sở hữu trí tuệ lỏng lẻo và các hạn chế khắc nghiệt đối với các công ty nước ngoài đã tạo ra một sân chơi không bình đẳng.

Để nhượng bộ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, ông Tập Cận Bình đã đồng ý triển khai một "tuyến đường nhanh" cho các doanh nhân Mỹ để giúp họ đến Trung Quốc dễ dàng hơn trong bối cảnh nước này đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế nhập cảnh vì đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, thông tin chính thức của cả hai phía về cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến vừa qua đều không đề cập đến các vấn đề kinh tế cấp bách như thiếu hụt chuỗi cung ứng, lạm phát và khả năng nới lỏng thuế quan.

Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng ANZ, cho biết: “Cuộc gặp hôm nay cho thấy Trung Quốc và Mỹ muốn tiếp tục tập trung vào việc xoay chuyển nền kinh tế của riêng từng nước. Cuộc gặp thượng đỉnh này mở đường cho các cuộc đàm phán thương mại tiếp theo, trong đó Mỹ có thể giảm bớt các biện pháp thương mại chống lại Trung Quốc."

Tóm lại, quan hệ Trung-Mỹ rất quan trọng đối với cả hai nước nói riêng và thế giới nói chung. Trên thực tế, lãnh đạo hai nước đang phải đối mặt với những lo ngại trong nước. Ở Mỹ, số lượng cử tri ủng hộ ông Biden đã giảm xuống do lạm phát, COVID-19 và cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan.

Trong khi đó, ông Tập Cận Bình đang phải giải quyết tình trạng thiếu năng lượng và khủng hoảng bất động sản. Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới cho thấy cả hai bên đều tin rằng sự thù địch công khai trước đây giữa Bắc Kinh và Washington không có lợi cho cả hai và là mối nguy hiểm tiềm tàng.

Mối quan hệ hai nước đã trở nên xấu đi và rối loạn đến mức các cuộc hội đàm trực tuyến như vừa qua là một phần nỗ lực để đảm bảo rằng sự cạnh tranh Trung-Mỹ không dẫn đến xung đột vũ trang do sự hiểu lầm tại một thời điểm "nóng"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục