Bước tiến mới trong việc chẩn đoán bệnh Parkinson

Các nhà khoa học New Zealand tạo ra bước đột phá mới trong việc chẩn đoán bệnh Parkinson bằng việc theo dõi hình ảnh tế bào thần kinh.
Nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Canterbury, New Zealand, cho biết bằng việc theo dõi hình ảnh tế bào thần kinh ở giai đoạn sớm, họ đã tạo ra một bước đột phá mới trong việc chẩn đoán và điều trị căn bệnh Parkinson (liệt rung).

Trong một tuyên bố, Tiến sỹ Nadia Borlase thuộc nhóm nghiên cứu cho biết bước đột phá của quá trình nghiên cứu trên ở chỗ các nhà khoa học đã có thể theo dõi được hình ảnh của tế bào thần kinh ngay khi bệnh nhân còn sống, thay vì phương pháp giải phẫu bệnh chỉ có thể được tiến hành ở những bệnh nhân đã qua đời.

Chính vì vậy, các nhà khoa học có thể theo dõi được những tế bào thần kinh có dấu hiệu thoái hóa, điều vốn xảy ra trước khi bệnh nhân thể hiện triệu chứng của bệnh là suy giảm trí nhớ.

Tiến sỹ Bôlaxê cho biết, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào phần đồi não, phần trung tâm của não, nơi liên quan đến mọi chức năng trừ khả năng hình thành quá trình khứu giác.

Cấu trúc của vùng đồi não chia ra các trung khu thần kinh, mỗi trung khu đều phụ trách một chức năng cụ thể, dựa trên nguyên lý này chúng tôi sẽ tập trung theo dõi sự thoái hóa của tế bào thần kinh, nguyên nhân chủ yếu gây ra căn bệnh Parkinson.

Parkinson là bệnh thoái hóa dần dần của hệ thần kinh trung ương, thường thấy ở lớp người ngoài 50 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh này ở nam giới cao hơn ở nữ giới. Bệnh Parkinson là loại bệnh phổ biến thứ hai ở tuổi già sau bệnh Alzheimer (mất trí nhớ).

Hiện nay, căn nguyên của căn bệnh này không thể điều trị, tuy nhiên, việc chẩn đoán sớm có thể giúp giảm nguy cơ mắc phải căn bệnh trên thông qua một liệu trình điều trị sớm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục